Kinh tế huyện Gia Lâm chuyển biến tích cực trong trạng thái bình thường mới

01/07/2020 15:09

Kinhte&Xahoi "Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt 1.518,3 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán TP và huyện giao. Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 1.109,6 tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán giao", ông Nguyễn Ngọc Thuần- Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm thông tin tại Hội nghị chiều 30-6 (ảnh T.A)

Chiều 30-6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã thông tin về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thời gian qua huyện đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm mùa hè. Chỉ đạo thực hiện chi trả, hỗ trợ cho 10.965 đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ngay trong ngày 30-4 với số tiền 14,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện phát động phong trào chung tay, góp sức, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Toàn huyện ủng hộ bằng tiền mặt và nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế với trị giá trên 11 tỷ đồng. Huyện thiết lập trạng thái bình thường mới và tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đến nay trên địa bàn chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn.

Về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trong trạng thái bình thường mới: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 6,85%, giảm 3,52% mức tăng cùng kỳ năm 2019. Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Cụm công nghiệp Đình Xuyên. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp năm 2020. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2019 huyện có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Huyện đã chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện đã được khống chế hoàn toàn, số lượng đàn lợn đang phục hồi.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm đạt 1.518,3 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán TP và huyện giao, bằng 195,5% so với cùng kỳ năm trước. Phần do huyện thu ước đạt 1.497,2 tỷ đồng (bằng 50,8% dự toán TP và huyện giao; bằng 192,8% so với cùng kỳ năm trước). Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 1.109,6 tỷ đồng (bằng 33,9% dự toán giao; bằng 132,9% so với cùng kỳ năm trước).

Công tác xây dựng chính quyền và CCHC được chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính: 100% các phòng chuyên môn, các trường học và UBND các xã, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào quản lý. Đơn giản hóa 35 TTHC cấp huyện, thời gian được rút ngắn trung bình trên 30 ngày làm việc. Hiện có 300 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 164 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã, toàn bộ đã được chuẩn hóa và xây dựng quy trình giải quyết theo ISO và thực hiện công khai theo quy định.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 100%, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 93,1%. Chỉ số CCHC công huyện Gia Lâm xếp hạng 4/30 quận, huyện của TP.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019. Thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, tổ chức hòa giải thành công 47/54 vụ, đạt 87%.

Trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng và tài nguyên, môi trường được quan tâm và đẩy mạnh. Thời gian qua huyện đã cấp phép xây dựng cho 656 trường hợp với tổng diện tích sàn 175.971m2. Tiến hành kiểm tra 603 công trình xây dựng trên địa bàn huyện; phát hiện, lập hồ sơ xử lý 20 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 17 trường hợp, số tiền xử phạt 580,75 triệu đồng. Triển khai công tác gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn huyện năm 2020.

Tập trung xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Huyện đã tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng 41 dự án với tổng diện tích 45,05ha, đạt 33,5%, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 172 tỷ đồng cho 1.530 hộ dân và tổ chức.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, qua rà soát toàn bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí thành lập phường, kết quả đánh giá: 4 xã đạt 11-13 tiêu chí, đạt 90 điểm trở lên; 10 xã đạt 9-11 tiêu chí, đạt từ 85-90 điểm; 4 xã đạt 9-10 tiêu chí, đạt 80-85 điểm. Theo kế hoạch, năm 2020 huyện hoàn thiện hồ sơ trình TP thẩm định, phê duyệt xã nông thôn mới nâng cao tại 2 xã Yên Viên và Phù Đổng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, trong 6 tháng cuối năm, huyện tiếp tục đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết TTHC. Tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường thực hiện qua mạng các văn bản báo cáo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, từng bước vững chắc. Chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của TP về công tác phòng, chống dịch bệnh. Bám sát chỉ đạo của TP tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, chạy đua bù đắp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đẩy nhanh phát triển ứng dụng thương mại điện tử, phát triển dịch vụ logistics, phát triển du lịch Bát Tràng, Văn Đức, Phù Đồng và các dịch vụ phục vụ du lịch…


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chung sức đồng lòng, vượt qua đại dịch

Mặc dù những khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại vẫn hiện hữu, nhưng những con số trong phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội vẫn cho thấy những tín hiệu sáng. Đặc biệt, một vấn đề được nhiều ý kiến nhắc đến là niềm tin của người dân sau những thành công trong công tác phòng, chống dịch. Đây là một động lực quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/kinh-te-huyen-gia-lam-chuyen-bien-tich-cuc-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-199562.html