Kinh tế Thủ đô - những con số ấn tượng

04/09/2024 11:22

Kinhte&Xahoi Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn 1,2 - 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước, gấp 1,6 lần bình quân cả nước, riêng công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm...

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh xem mô hình quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh xem mô hình quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải

Nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội là Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị của cả nước. Hà Nội là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Hà Nội - trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước

Hà Nội luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế khu vực và cả nước: là TP lớn thứ 17 trên thế giới, tương ứng bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu; 29,77% và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn 1,2 - 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước (bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần và năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,6 lần bình quân cả nước, riêng công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%).

Theo Cục Thống kê Hà Nội, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 đạt 5,24%.

GRDP giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm. Riêng năm 2023 GRDP theo giá so sánh năm 2023 sơ bộ tăng 6,27% so với năm 2022 (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,91%; quý III tăng 6,22%; quý IV tăng 7%). Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 2,04% năm 2023, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.

Xuất, nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giai đoạn 2011 - 2023, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 4,57%, nhập khẩu tăng 3,28%. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 54 tỷ USD, gấp 1,54 lần so với năm 2011 (35,13 tỷ USD).

Năm 2019 (trước dịch Covid-19), ngành du lịch Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011) và 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước. Đến năm 2023, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19: khách nội địa đạt 20 triệu lượt và khách quốc tế đạt 4,72 triệu lượt - vượt mục tiêu đề ra, đóng vai trò là trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển ổn định và đồng đều trong các khu vực ngành và địa bàn kinh tế. Tính chung 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%; vốn ngân sách do địa phương quản lý thực hiện được 30,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%. Toàn TP có 24,6 nghìn DN thành lập mới và hoạt động trở lại; 20,5 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, giải thể. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Đồng thời, thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 337,2 nghìn tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023; Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 54,2 nghìn tỷ đồng, đạt 37% dự toán năm và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023…

Đặc biệt, 100% các huyện và xã của TP đã đạt chuẩn nông thôn mới. TP hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn). Lũy kế đến nay, TP có 2.167 sản phẩm OCOP.

Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực: trong hai năm 2021 - 2022 đã có 55 DN với 79 sản phẩm; năm 2023 có 33 sản phẩm của 24 DN được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Bình quân giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,4%.

Hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được chú trọng phát triển; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Giai đoạn 2011 - 2023, tổng thu ngân sách đạt 3,08 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 10,65%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,16 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 9,47%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét: khu vực nhà nước giảm từ 51,0% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3% năm 2023; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 59,0%. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế...

Hiện TP có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 DN công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính Nhà nước TP được chỉ đạo triển khai quyết liệt: đã vận hành hệ thống quản lý cuộc họp của TP; Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ đến các cấp, các ngành; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung TP; Hệ thống thông tin báo cáo TP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành…

Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TP đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước. Tại Hà Nội, nhiều DN công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng "Make in Viet Nam". Mạng lưới khám, chữa bệnh trực tuyến đã kết nối thêm 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10%, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và giảm tải cho hệ thống y tế.

TP hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân (CCCD) để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; gần 57.000 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

TP cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tiêu biểu như các dự án trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc; Trung tâm ươm tạo và đào tạo Công nghệ cao… nhằm hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo.

Hạ tầng kinh tế ngày càng đồng bộ và hiện đại

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô; Đồng thời, nhiều dự án quan trọng, có tính liên vùng được khởi công: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình… TP đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng các công trình chống ùn tắc trong nội đô như cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32…

Hiện Thủ đô đang tăng cường hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải công cộng.

Tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn Thủ đô hiện đạt trên 23.400km (tăng khoảng 3.700km so với năm 2010). Tỷ trọng diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt 10,07%. Mạng lưới xe buýt Hà Nội gồm 154 tuyến đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt khoảng 340 triệu lượt hành khách/măm.

Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng; giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…

Những triển vọng và định hướng thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Thủ đô còn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là về công tác quy hoạch, quản lý môi trường đô thị, quản lý đất đai và nguồn vốn cho nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, khả năng tổ chức thực hiện, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường… sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu theo tinh thần và mục tiêu xác định trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của TP và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành T.Ư về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, chủ trương, kế hoạch liên quan đã được Thành ủy, HĐND và UBND TP đề ra.

Trước mắt, Hà Nội cần sớm triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Quyết định số 4279/QĐ-UBND ngày 17/8/2024 về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô; hoàn thành Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai. Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch...

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; phát triển các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo; không ngừng nâng cao mức đóng góp của TFP và kinh tế số trong GRDP; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN; hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI có công nghệ cao, công nghệ sạch, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động tích cực đến môi trường và xã hội; phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tăng tốc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của DN, thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đồng thời, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng của TP, gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, dịch vụ logistics, thương mại điện tử, du lịch, giáo dục, y tế...; hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại khu vực ngoại thành; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập và hợp tác phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” đồng hành và tạo nguồn động lực mạnh mẽ trên hành trình vươn tới khát vọng xây dựng Tổ Quốc Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ tịch...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Trên hành trình tìm đường cứu nước và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp thu học thuyết Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành nên hệ thống tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta ở thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời có giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc của Người thể hiện trên những vấn đề cơ bản dưới đây.

https://kinhtedothi.vn/kinh-te-thu-do-nhung-con-so-an-tuong.html