Kỷ cương, kỷ cương và kỷ cương!

29/10/2018 08:21

Kinhte&Xahoi Cuối tuần qua, Quốc hội (QH) dành những ngày họp quan trọng để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh mừng, hy vọng, vẫn như thường niên biết bao lo lắng của cử tri “ập” vào QH.

Dường như “không khí” nóng ran ngoài cuộc sống dẫu đã được hạ bớt nhiệt nhưng trên diễn đàn QH vẫn dễ nhận ra nhiều “bức bối”. Từ câu chuyện “tưởng bé giờ hóa lớn” là kiểm tra hành chính, phạt và thu giữ tài sản lớn khi khách hàng đổi 100 USD ở Cần Thơ đến chuyện rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội), “xã hội đen” lộng hành ở Hải Phòng… đến cả vấn đề biển Đông bị chất vấn vì trong các báo cáo chỉ đề cập... “nhẹ hều”.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

100 USD nhỏ không? Không lớn nhưng vấn đề luật pháp sau đó vô cùng lớn. Chúng ta có chính quyền quản lý về đất đai, có hệ thống pháp luật về đất đai, nhưng lĩnh vực này đang trở thành “miếng mồi” để các thế lực khác nhau “xâu xé” dưới các hình thức. 

Đại biểu QH nhắc đến những vụ việc diễn ra như “ở Hải Phòng và đề nghị cần sớm có lộ trình chấm dứt “cái gọi là phạt cho tồn tại”. Vâng, “phạt cho tồn tại” đã góp phần “phá nát” hệ thống luật pháp. 

“Những vụ việc diễn ra như ở Hải Phòng, cả một khu đất quốc phòng mà chỉ qua tay “xã hội đen” đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Những việc vừa nảy sinh ở trên khu rừng phòng vệ ở Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm vì chắc chắn không có cái gì lọt qua mắt nhưng mà có những cái lọt qua tay”, đại biểu QH Dương Trung Quốc thẳng thắn.

Vâng, những sai phạm, những cá nhân vì nguyên nhân nào đó, gián tiếp hoặc trực tiếp tiếp tay cho “xã hội đen” sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, thực tế này đã chỉ ra tình trạng lâu nay đụng đến “đất quốc phòng”, “đất an ninh” là chính quyền ngán. Vô hình trung tạo ra một khoảng trống luật pháp không hề nhỏ.

Chính người đứng đầu Chính phủ đã có lần khẳng định việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập trong quy hoạch, sử dụng làm thất thoát, trong đó có đất nông nghiệp, đất rừng và đất quốc phòng... Lãng phí, thất thoát nguồn lực đặc biệt của quốc gia, tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng cán bộ, thậm chí cả cán bộ cấp Ban Bí thư quản lý là rất đau xót.

Chính vì thế từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai, đặc biệt thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước.

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là Nhà nước không ai được đứng trên pháp luật, không ai được đứng trên Hiến pháp. Mọi người  tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, sự bình đẳng trong bảo vệ nhân quyền được bảo đảm, quyền lực nhà nước có phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Rõ ràng là kỷ cương luật pháp đã và đang là khâu rất yếu.


Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM