Kỳ họp đặc biệt trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam

14/07/2020 14:09

Kinhte&Xahoi Đó chính là Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Sự đặc biệt này là do Kỳ họp được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tổng kết Kỳ họp.

Sáng 14/7, tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình bày Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước và từ thực tế Kỳ họp, UBTVQH đã thảo luận và thống nhất tổng kết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Kỳ họp được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt, đó là vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, với việc thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát 01 chuyên đề và xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo kiến nghị cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. 

Trên tinh thần chủ động, linh hoạt, quyết tâm cao, thích ứng nhanh với điều kiện thực tế, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ họp trực tuyến, bảo đảm khai mạc Kỳ họp đúng thời gian quy định, kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng, hợp lòng dân.

“Kết quả Kỳ họp khẳng định sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng với Quốc hội nỗ lực, trách nhiệm, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo kịp thời của Đảng; sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của UBTVQH, Chính phủ; sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Đặc biệt, đã có khoảng thời gian phù hợp giữa 2 đợt họp để các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua; đồng thời các đại biểu có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu. 

Các phiên họp trực tuyến diễn ra thông suốt, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, vẫn duy trì không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi cũng như sự trang nghiêm của kỳ họp. Đây là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.

Hoàng Thư - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-hop-dac-biet-trong-lich-su-cua-quoc-hoi-viet-nam-d129402.html