Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước, nên đề nghị Quốc hội họp tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội; tuy nhiên vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5, dự kiến bế mạc vào ngày 17/6/2022, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày.
Về dự kiến chương trình Kỳ họp, theo ông Cường, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do trong quá trình xây dựng dự án Luật này đã phát sinh một số vấn đề mới cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng. Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng xin tiếp thu đề nghị của Chính phủ, rút dự án Luật này ra khỏi dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên họp cho ý kiến về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án: Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Về các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung, theo Tổng Thư ký Quốc hội, đối với 3 dự án Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, tại văn bản số 4181/TTKQH-PL ngày 8/4/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về 3 dự án Luật này; khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung các dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tại phiên họp sáng 14/4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không ban hành Nghị quyết riêng về nội dung này mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3.
Đối với Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, nội dung này đã được bố trí trong dự kiến Chương trình Kỳ họp. Tuy nhiên, chiều 21/4 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét nội dung này. Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, tại văn bản số 21/TTKQH-PL-m ngày 17/3/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quyết định chưa xem xét việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2022 để Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Đối với 5 dự án công trình quan trọng quốc gia, trong đó 2 dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị cho ý kiến (hiện dự kiến chương trình đã bố trí 2 nội dung này); hồ sơ tài liệu của 5 dự án đã được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Ngoài ra, còn có một số nội dung khác như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trong đó cần báo cáo rõ phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định để hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh (hiện dự kiến Chương trình kỳ họp mới thể hiện Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo này) và các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu…
Lắng nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát thời gian khai mạc, bế mạc Kỳ họp, đồng ý khai mạc ngày 23/5, còn bế mạc phụ thuộc vào việc bố trí dung lượng thời gian hợp lý cho từng nội dung; rà soát thứ tự các nội dung theo kinh nghiệm đã có; rà soát danh mục báo cáo của các cơ quan liên quan, bao gồm báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước… trên tinh thần tiết kiệm tối đa thời gian nhưng nâng cao được chất lượng của Kỳ họp.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung chưa chín, còn nhiều ý kiến khác nhau thì không trình Quốc hội; các nội dung cần điều chỉnh thì sẽ cho ý kiến cuối cùng vào Phiên họp tháng 5 tới đây của Thường vụ. Về hình thức họp, Chủ tịch Quốc hội tán thành họp tập trung nhưng phải nâng cao cảnh giác, không chủ quan trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
T. Chung - Pháp luật Plus