Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022): Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

10/03/2022 07:12

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, tại nhiều nơi trên cả nước đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022) - người cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương người cộng sản trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tiếp tục tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”, ngày 6-3.

Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Tô Hiệu từ rất sớm đã bộc lộ tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng dấn thân và cống hiến. Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi (năm 1926) khi đang theo học Trường Pháp - Việt tại thị xã Hải Dương, tiếp đó là học Cao đẳng tiểu học ở Trường Trí tri (nay là Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản khi 20 tuổi (năm 1932) tại nhà tù Côn Đảo.

Năm 1934, sau khi hết hạn tù, đồng chí Tô Hiệu bị địch đưa về quê nhà quản thúc tại làng Xuân Cầu. Với tinh thần cách mạng tiên phong, đồng chí đã tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, học tập văn hóa trong làng, vận động nhân dân xây dựng Trường Kiêm bị Xuân Cầu - tương đương trường tiểu học bây giờ để dạy dỗ cho con em trong xã - góp phần mở mang dân trí, khéo léo giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh),... tích cực xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ. Tháng 5-1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy. Tháng 11-1937, tại Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ, đồng chí Tô Hiệu được cử là Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy.

Đầu năm 1939, đồng chí Tô Hiệu được phân công phụ trách Khu ủy khu B (sau là Liên tỉnh B) và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây nhiều tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước.

Ngày 1-12-1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở in ở xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng) kiểm tra việc in truyền đơn tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt. Mặc dù kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc, nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí Tô Hiệu. Cuối tháng 12-1939, chúng đã xử mức án 5 năm tù và đầu năm 1940 đày đồng chí đi nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc. Tháng 2-1940, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí được cử làm Chi ủy viên kiêm Tổ trưởng tổ đảng. Đến tháng 5-1940, đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ...

Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân cùng căn bệnh hiểm nghèo, ngày 7-3-1944, đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh tại nhà tù Sơn La và được an táng tại Nghĩa trang Gốc Ổi (Nghĩa trang nhà tù Sơn La).

Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu”

Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời cũng như sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta. Hình tượng Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La đã trở thành hình tượng văn học, nghệ thuật quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và thế giới.

Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, gương mẫu trong mọi việc mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Trong chốn lao tù đế quốc, với vô vàn thiếu thốn, gian khổ về vật chất, sự hành hạ về tinh thần và vật vã với bệnh tật, đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng. 

Tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức ngày 6-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, cuộc đời cách mạng của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản đã hiến dâng và hy sinh trọn đời mình cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc của nhân dân.

“Lựa chọn con đường cách mạng theo Đảng, đấu tranh vì nước, vì dân, đồng chí Tô Hiệu đã trở thành tấm gương tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam yêu nước chân chính, đó cũng là minh chứng sinh động về sự phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của lý tưởng cộng sản trong phong trào yêu nước Việt Nam sau khi Đảng ta ra đời”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

 Đình Hiệp - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Phát huy sức mạnh lòng dân, tổ chức thích ứng an toàn từ cơ sở

Kết luận Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, chiều 7/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh phải phát huy sức mạnh lòng dân, tổ chức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh từ thôn, tổ dân phố với nòng cốt là các tổ Covid-19 cộng đồng. Đồng chí cũng lưu ý, phải chuẩn bị sẵn sàng để khi được phân bổ vắc xin là có thể tiến hành tiêm ngay cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1026556/nha-lanh-dao-tien-boi-tieu-bieu-cua-dang