Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Những bài học kinh nghiệm

07/05/2019 10:26

Kinhte&Xahoi Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới.

Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ; trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954.

Chiến thắng lịch sử

Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy lực lượng vũ trang (LLVT) làm nòng cốt, trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân ta liên tiếp mở các đòn tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng ra nhiều hướng.

Để đối phó với các đòn tiến công của ta, ở Điện Biên Phủ, Navarre tập trung lực lượng, phương tiện, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chiến trường Đông Dương hòng “nghiền nát” chủ lực Việt Minh.

Với tầm nhìn chiến lược, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh đòn quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước vào chiến dịch, ta đã huy động 5 đại đoàn chủ lực bao vây, tiến công địch và hơn 26 vạn dân công phục vụ chiến dịch.

Bằng sức mạnh tổng hợp của các yếu tố con người-vũ khí-trang bị, tổ chức lực lượng, nghệ thuật quân sự, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta đã liên tục tiến công, lần lượt đột phá, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên địch, trong đó có tướng De Castries và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định.

QĐND Việt Nam tự hào là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân làm nên chiến công vẻ vang đó, tô thắm thêm truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời bình

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực”, Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Điện Biên Phủ trở thành nơi khắc ghi sự cống hiến, hy sinh to lớn của biết bao cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân Việt Nam.

Đến nay, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ngày nay, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển đang là xu thế chủ đạo, nhưng dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Quân đội ta đứng trước những yêu cầu mới, ngày càng nặng nề, phức tạp hơn.

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, QĐND Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, toàn quân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Hai là, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), toàn diện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ba là, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định, theo quan điểm của Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN không đơn thuần chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn bảo vệ an ninh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp, cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, QPAN, đối ngoại; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh bên trong, sức mạnh của chế độ chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định.

Phương thức bảo vệ Tổ quốc là kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang, kết hợp bảo vệ với xây dựng, lấy xây dựng đất nước giàu mạnh là gốc của bảo vệ và bảo vệ là một bộ phận hợp thành của xây dựng; là ngăn chặn không để xảy ra chiến tranh, phát triển đất nước về mọi mặt theo đúng định hướng XHCN; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại…

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân đội ta tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, tăng cường xây dựng, củng cố thế trận QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập, chủ quyền của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Theo Pháp luật plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sẵn sàng cho Đại lễ Phật đản LHQ 2019

Đại lễ Phật đản LHQ (Vesak) năm 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.