Kỷ niệm khó quên trong nghề báo

20/06/2020 10:50

Kinhte&Xahoi “Vinh dự và tự hào” - đó là cảm nhận chung của phần lớn phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Phóng viên tác nghiệp tại dự án Nhà máy Nước thải Yên Xá. Ảnh Quang Tấn.

Trong hơn chục năm gắn bó với nghề báo, tác nghiệp ở nhiều địa điểm, sự kiện, gặp gỡ hàng nghìn nhân vật khác nhau, ở những địa điểm khác nhau… nhưng đợt tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 là kỷ niệm không bao giờ quên đối với bản thân tôi và những đồng nghiệp khác trong cơ quan.

“Vinh dự và tự hào” - đó là cảm nhận chung của phần lớn phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Chúng tôi tự hào khi được góp sức vào mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, được đồng hành với những lực lượng nơi tuyến đầu, được đến và trải nghiệm cuộc sống của những người dân trong khu vực cách ly, những mảnh đời chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngày đó, chỉ cần nhận được thông tin mới về dịch, tôi cũng như các phóng viên khác ngay lập tức có mặt tại hiện trường, dù đó là ngày hay đêm để có những hình ảnh, thông tin chuyển đến bạn đọc một cách chính xác và nhanh nhất.

Khi biết tôi vẫn đi tác nghiệp trong mùa dịch, thậm chí là tác nghiệp trong tâm dịch, bạn bè tôi hỏi, không sợ à? Đi lắm vào rồi về mà lây cho vợ, con… lúc đó tôi chỉ biết cười trừ. Bởi, dịch Covid-19 nguy hiểm như thế nào thì không cần nói thêm nữa, bởi mọi người cũng đều đã biết. Và đương nhiên, tôi cũng sợ nếu bị lây nhiễm. Nhưng nỗi sợ đó quá nhỏ so với trọng trách, vinh dự mà cơ quan, xã hội đã giao cho chúng tôi.

Ngày 11/3, khi ổ dịch tại ngõ 165 đường Cầu Giấy bùng phát, như thường lệ, chúng tôi có mặt tại khu vực này từ khi kết thúc bản tin thời sự cho đến gần nửa đêm. Lúc đó, dù mới chỉ là thông tin nghi ngờ nhiễm, song tất cả chúng tôi đã có những sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để tổ chức tác nghiệp cũng như hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

Khi trở về nhà, đến ngày hôm sau nhận tin ca nghi ngờ đã chính thức dương tính với Sar-CoV-2, gần nửa tháng trời tôi vẫn không dám về quê thăm con vì sợ mình vô tình trở thành nguồn lây bệnh. Thế nhưng, khi hết gần nửa tháng đó, cũng gần đúng thời điểm Chính phủ ban hành quy định giãn cách xã hội, việc về thăm con, gia đình ở quê càng trở lên khó khăn hơn… Song, tất cả chúng tôi luôn xác định rằng, đó là biện pháp để bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Đến nay, khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam, không còn các ca nhiễm trong cộng động, tần suất tác nghiệp thông tin về dịch Covid-19 cũng dần dần thưa đi. Tuy nhiên, biết bao hình ảnh, kỷ niệm về những “ngày 2 gói mỳ tôm, ăn và làm Covid-19” vẫn còn mãi trong tâm khảm của chúng tôi. Đó luôn là những hình ảnh đẹp về sự chung tay, đồng lòng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của cả dân tộc Việt Nam.

 Công Trình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hóa đơn tiền điện tăng bất thường: Vì sao?

Những ngày qua, nhiều người “ngã ngửa” khi nhận được hóa đơn tiền điện kỳ tháng 5 bởi tiền điện tăng đột biến, có nơi tăng gấp 5 lần những tháng trước đó. Người dân mong muốn có thể theo dõi giá điện minh bạch để giám sát chặt chẽ, cũng như điều tiết việc sử dụng điện trong gia đình hiệu quả.

Theo KTĐT/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-niem-kho-quen-trong-nghe-bao-d127543.html