Kỳ vọng chính đáng

12/09/2023 10:05

Kinhte&Xahoi Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM công bố giữa năm 2022, trong vòng 6 năm, thu nhập bình quân gồm lương, các khoản phụ cấp của lao động làm công ăn lương trong khu vực nhà nước tại TP tăng chưa đến 2 triệu đồng, trung bình mỗi năm tăng 319.000 đồng.

Ảnh minh họa

Năm 2021, thu nhập bình quân của cán bộ, công chức, viên chức ở TP đạt gần 8,86 triệu đồng/tháng. Trong đó, một số ngành thu nhập chưa đến 8 triệu đồng/tháng như giáo dục, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống...

Có thể lấy một ví dụ sau để dễ hình dung. Nếu là công chức phường, trình độ đại học, bậc lương khởi điểm 2,34; thì sau 15 năm công tác bậc lương người này lên 4,98 (do cứ 3 năm được tăng 0,33). Với mức lương cơ sở thời điểm tháng 8/2022 là 1,49 triệu đồng nhân với hệ số bậc, người này được gần 7,5 triệu đồng, chưa trừ các khoản bảo hiểm xã hội. Nếu để có thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng, thì người này phải kiêm nhiệm nhiều vị trí (đấy là may mắn nếu có cơ hội chứ không phải cứ muốn là được kiêm nhiệm”, có thể đi làm cả Thứ Bảy, Chủ nhật, có khi họp đến 9 - 10h đêm.

Không chỉ tại TP HCM, mà tại các địa phương, những cán bộ phường, xã bán chuyên trách, trình độ đại học lương khởi điểm mỗi tháng chưa đến 4 triệu đồng, là không ít. Nếu vợ chồng cùng làm nhà nước sẽ càng gặp khó. Nhiều người phải bán hàng online, làm thêm nhiều nghề mới đủ sống, lo được cho con, trả tiền thuê trọ. Một lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP HCM nhận xét: "Cán bộ trẻ gần như không có tích lũy. Muốn mua điện thoại, xe máy phải vay mượn hoặc trả góp". Riêng tại TP HCM, mấy năm qua, TP thí điểm thực hiện Nghị quyết 54, cán bộ, công chức, viên chức có khoản thu nhập tăng thêm, may mắn cải thiện phần nào.

Thẳng thắn hơn, một lãnh đạo của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (TP HCM) cho rằng, lương thấp khiến một số cán bộ, công chức đã phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập. Như vậy, công chức đã sử dụng danh tiếng của cơ quan, vị trí, thời gian công để làm thêm bên ngoài, kiếm thêm thu nhập; dù theo ông, “việc này dù vi phạm đạo đức công vụ”. Thậm chí một số lãnh đạo đơn vị để cấp dưới làm thêm bên ngoài hoặc kiếm dự án về cùng làm để có nguồn chia nhau; giúp tăng thu nhập, giải quyết khó khăn cuộc sống, cũng là cách gián tiếp giữ họ ở lại với khu vực nhà nước.

Thực trạng trên cũng là vấn đề lãnh đạo TP HCM trăn trở nhiều năm nay. Vì vậy trong một cuộc tọa đàm mới đây, lãnh đạo UBND TP cho biết TP sẽ có chính sách làm sao để cán bộ, công chức đủ sống, yên tâm công tác. Căn cứ pháp lý của chính sách này là Nghị quyết 98 mới được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2023, trao cho TP một số chính sách đặc thù. Trong đó, HĐND TP được quyết định bố trí thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với mức chi không quá 1,8 lần lương. Đồng thời, TP cũng được ban hành nghị quyết thu hút chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên xuất sắc với nhiều ưu đãi hơn so với trước.

Cha ông ta đã có câu nói “có thực mới vực được đạo”. Kế hoạch tăng thu nhập một cách hợp pháp cho cán bộ, công chức của TP HCM là chính đáng, không chỉ được cán bộ, công chức TP trông ngóng, mà các tỉnh, thành trên cả nước cũng chờ đợi sự thành công của TP; để các địa phương khác có thể học hỏi triển khai áp dụng.

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/ky-vong-chinh-dang-d198437.html