Lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam

10/10/2021 17:31

Kinhte&Xahoi Tuy có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nền kinh tế Việt Nam được đánh giá vẫn vững chắc và có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch từ năm 2022 trở đi.

Hạ dự báo tăng trưởng nhưng chỉ là tạm thời

 Vừa qua, Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 từ mức 6,7% hồi đầu năm xuống 3,8%.

ADB cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, được hỗ trợ phần lớn bởi mở rộng thương mại. Tuy nhiên, đợt bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trong tháng Tư đã thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp.

ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam (Ảnh: BLOOMBERG)

Dù vậy, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Với giả định đến cuối năm 2021, đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và đến quý II năm 2022 tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vắc xin chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm 2022 sẽ phục hồi và đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%”.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Việt Nam giảm còn 4,8%.

Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 vừa qua đến các hoạt động kinh tế.

Theo ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc xin và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi.

“Rủi ro theo hướng suy giảm đã được kiểm soát, các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi”, ông Rahul Kitchlu nhấn mạnh.

Bất chấp một năm đầy thách thức, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt 22,1 tỷ USD, cao hơn mức 21,2 tỷ USD đăng ký trong cùng kỳ năm 2020.

“Dòng vốn này được thúc đẩy bởi cả đầu tư hiện tại và đầu tư gia tăng, tái khẳng định quan điểm các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn xa hơn cuộc đấu tranh với đại dịch trong hiện tại và tập trung vào tiềm năng kinh doanh phía trước của Việt Nam”, ngân hàng UOB nhận định.

Khi các hoạt động trở lại “bình thường mới”, UOB cũng dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt 7,4%.

Tái khởi động và phục hồi du lịch

 Ngành Du lịch của các nước đang phát triển phải gánh chịu tác động ghê gớm của đại dịch, với ước tính lượng khách đến du lịch giảm từ 60 đến 80%. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73% trong năm 2020, trong khi trong quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm là khoảng 88%.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành Du lịch quốc tế.

Với tốc độ tiêm chủng của các quốc gia trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia mở cửa trở lại đón khách áp dụng hộ chiếu vắc xin để hồi sinh ngành công nghiệp không khói.

Pháp đã mở cửa biên giới đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 9/6. Du khách Châu Âu đã tiêm vắc xin không cần xét nghiệm, khách từ nơi khác đã tiêm vắc xin vẫn phải kèm kết quả âm tính.

Tại Italy, doanh thu ngành du lịch trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 một phần nhờ việc thực thi quy định thẻ xanh. Khoảng 23 triệu người đã quyết định nghỉ hè ở trong nước, nâng tỷ lệ đặt phòng khách sạn lên cao nhất từ trước đến nay.

Đảo ngọc Phú Quốc nằm trong chương trình thí điểm hộ chiếu vắc xin ở Việt Nam (Ảnh: Alamy)

Du khách đến Maldives chỉ cần đặt vé, có xác nhận đặt phòng của khu nghỉ dưỡng, làm xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và sở hữu giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ.

Từ tháng 7, Thái Lan đã triển khai mô hình “hộp cát Phuket”, trong đó cho phép những du khách đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19 đến từ những quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình được đến Phuket và ở lại đây 2 tuần trước khi đến những địa điểm du lịch khác mà không cần thực hiện cách ly. Tuần trước, giới chức Thái Lan đã giảm số ngày lưu trú bắt buộc tại Phuket xuống còn một tuần theo những điều chỉnh về quy định cách ly của chính phủ.

Chương trình “hộp cát” hiện đã thu hút được hơn 38.000 lượt du khách đến Phuket và giúp tạo ra 66,67 triệu USD. Giới chức Thái Lan hy vọng có thể mở cửa trở lại thêm 5 địa điểm du lịch khác, trong đó có thủ đô Bangkok, theo mô hình này từ đầu tháng 11 tới.

Tại Việt Nam, nhiều kỳ vọng cũng được đặt vào “hộ chiếu vắc xin”, coi đây như là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch Covid-19, cũng như giúp mở cửa lại ngành du lịch và giao thương quốc tế.

Đảo ngọc Phú Quốc được chọn để thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế. Theo đó, du khách quốc tế nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 có thể du lịch Phú Quốc sau khi chương trình Hộ chiếu vắc xin chính thức được áp dụng.

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay thuê trọn gói đến tỉnh này. Khánh Hòa sẽ thí điểm đón khách du lịch có hộ chiếu vắc xin tại phạm vi nhỏ; khu vực ít ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Việc này sẽ được thực hiện tại thời điểm phù hợp với thực tế phòng, chống Covid-19 của tỉnh.

Theo số liệu báo cáo của các nước tại Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2020, du lịch Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Với hàng loạt địa danh nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long; phố cổ Hội An, hang Sơn Đoòng; đảo ngọc Phú Quốc... không khó hiểu khi du khách quốc tế ưu ái dành tặng nước ta mỹ danh “thiên đường du lịch”.

Như vậy hy vọng với từng bước kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng với “trạng thái bình thường mới” và từng bước mở cửa du lịch an toàn Việt Nam sẽ đạt được những triển vọng lạc quan trong tăng trưởng trong giai đoạn trung và dài hạn.

Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BHXH thành phố Hà Nội: Huy động nhân lực với trách nhiệm cao để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH Hà Nội đã quyết liệt, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với phương châm đưa chính sách hỗ trợ đến người lao động, người sử dụng lao động một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất và chính xác nhất, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lac-quan-ve-trien-vong-tang-truong-cua-viet-nam-179932.html