Ảnh minh họa (Nguồn: PV)
Bất cập nơi thi, nơi xét tuyển
Ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A đã đại diện 2.483 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Giám đốc các Sở GD&ĐT, Nội vụ, về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo các giáo viên, thăng hạng chức danh nghề nghiệp vốn là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi. Các thầy, cô giáo cũng mong muốn TP Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.
Thầy Đường bày tỏ: “Qua tâm sự và tìm hiểu thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp các nơi, tôi được biết ở nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở các trường THCS từ mấy năm trước đã được xét thăng hạng mà không phải thi”.
Cùng với thầy Đường, trong số gần 2.500 giáo viên ký vào đơn thư gửi lãnh đạo các cấp, gần 50% là các giáo viên thuộc thế hệ 6X, 7X. Theo các thầy cô, tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng cho giáo viên chính là những đóng góp cho ngành Giáo dục, không nên tạo áp lực cho giáo viên bằng những cuộc thi. Việc tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên trong thành phố tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Công sức, thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít, nhưng tính chất kỳ thi lại không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành Giáo dục. Với cùng thời gian, công sức, nguồn kinh phí ấy, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều. Do vậy, hàng ngàn giáo viên khác mong muốn Hà Nội bỏ quy định thi thăng hạng, chỉ xét thăng hạng nhằm giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.
Theo quy định hiện hành, có hai hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức là thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt. Việc này thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức. Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đưa ra đề xuất, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng.
Các địa phương không nên “gây khó” cho giáo viên
Về việc giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP). Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Theo Bộ Nội vụ, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các kỳ thi cũng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp. Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dù trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.
|
Uyên Na- Pháp luật Plus