Làm gì để ngăn nạn xe khách nhồi nhét, tự ý tăng giá vé?

24/08/2019 08:57

Kinhte&Xahoi Hàng năm, cứ mỗi dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi lại của người dân lại tăng cao. Xuất phát từ nhu cầu thực tế thế này, nhiều đơn vị vận tải hành khách tận dụng cơ hội để tìm mọi cách tăng doanh thu. Hầu hết các đơn vị vận tải đều coi thời điểm trước, trong và sau các đợt nghỉ lễ là khung “thời gian vàng” để tăng doanh thu.

Việc người dân không vào bến xe mua vé tạo cơ hội cho các nhà xe nhồi nhét, tự ý tăng giá vé

Vấn nạn “đến hẹn lại lên”

Tình trạng các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh nhồi nhét, “chặt chém” hành khách trong các dịp nghỉ lễ lớn đã diễn ra nhiều năm nay. Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, tình trạng này tái diễn với mức độ nguy hiểm, nhiều nhà xe vì lợi nhuận bất chấp sự an toàn tính mạng của hành khách nhồi nhét gấp hơn hai lần số ghế quy định. 

Điển hình nhất là vụ xe khách chạy tuyến Thanh Hóa – Bến xe Nước Ngầm 45 chỗ nhưng chở tới 104 người và chạy sai lộ trình quy định đã vượt qua nhiều chốt CSGT và chỉ bị Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) phát hiện, tạm giữ ở cửa ngõ Hà Nội sau hơn 100 km hành trình vào chiều 1/5.  

Ngoài vụ việc trên, còn rất nhiều trường hợp vi phạm khác được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Tình trạng vi phạm tràn lan của các đơn vị vận tải trong mỗi dịp nghỉ lễ khiến những người lao động, học sinh, sinh viên sinh sống và học tập mỗi lần về quê luôn phải cảm thấy lo sợ và bức xúc.

Chia sẻ về những lần bị nhồi nhét, chặt chém trong các lần về quê nghỉ lễ,  anh Tuấn Anh, một sinh viên quê Thanh Hoá đang học tại Hà Nội cho hay: “Bình thường không có việc gì, tôi cũng ít về quê. Những ngày thường, tiền vé chưa đến 100 nghìn, khách trên xe cũng không nhiều. Mỗi dịp nghỉ lễ lớn, sinh viên chúng tôi chỉ mong được về nhà thăm gia đình nhưng các nhà xe hầu như đều tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi; chưa kể đến tình trạng một ghế hai người ngồi, các chỗ trống khác trên xe khách nằm, ngồi la liệt. Xe 45 chỗ, họ đón đến 60-70 khách, ép như cá hộp”. 

Theo Cục CSGT, lý do dẫn đến tình trạng nhà xe nhồi nhét hành khách dịp lễ tết, bên cạnh việc chủ xe và nhà xe vì lợi nhuận bất chấp quy định, một phần cũng do ý thức của người dân không có thói quen vào bến mua vé, tự ý vẫy xe dọc đường. Đơn vị này kiến nghị cần bắt buộc lắp đặt camera song hành cùng thiết bị giám sát hành trình trên xe khách, để cơ quan quản lý có thể ngăn chặn kịp thời hành vi chở quá số người quy định, dừng đỗ bắt khách dọc đường…

Gọi cho ai khi gặp xe nhồi nhét?

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, người dân sẽ được nghỉ 3 ngày (từ 31/8 đến 2/9). Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở này đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe sớm xây dựng phương án, bố trí phương tiện dự phòng sẵn sàng giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các phương tiện.

Cùng với đó, giao Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức giao thông hợp lý, đặc biệt tập trung tại các khu vực xung quanh nhà ga, bến xe, đường dẫn lên xuống đường Vành đai 3 trên cao và nút giao cửa ngõ ra vào thành phố như: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Big C - Đại lộ Thăng Long...

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết: “Dự kiến lượng khách trên các bến xe sẽ tăng vào chiều 30/8 và sáng 31/8, song sẽ không tăng quá cao so với ngày cuối tuần bình thường. Tuy nhiên, lượng khách có thể tập trung đông trong một vài thời điểm trong đợt nghỉ lễ. Để bảo đảm chủ động, thuận tiện cho việc giải tỏa hành khách nếu có tăng đột biến, đơn vị đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp 300 phù hiệu xe tăng cường”. 

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, Công ty yêu cầu các bến xe kiểm soát từng xe, không để hiện tượng khách lên xe không có vé, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, lấy tiền cao hơn giá vé quy định; kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe không bảo đảm chất lượng, chở quá tải, lái xe uống bia rượu, hoặc sử dụng các chất kích thích khác...

Để hạn chế tình trạng nhồi nhét, tăng giá vé của các đơn vị vận tải, hành khách cần mua vé tại quầy vé, không bắt xe dọc đường tránh đi phải xe dù, xe chạy không đúng tuyến... đồng thời hành khách cũng cần phối hợp với lực lượng chức năng nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân nếu nhà xe có tình trạng tăng giá vé, chở quá số người quy định thì lập tức thông báo tới cơ quan chức năng qua số điện thoại: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia số máy 0989088719, 0917577777, 0995918666; Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) số máy 0692342608; hoặc phản ánh trực tiếp đến đường dây nóng tại các bến xe mà nhà xe đã đăng ký bến đỗ. 

Trong dịp này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì áp dụng chương trình giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội, sinh viên, đoàn viên công đoàn và các nhóm hành khách mua vé tập thể (từ 20 người trở lên)... Ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên, ngành Đường sắt tổ chức chạy thêm hơn 50 chuyến tàu trên các tuyến có mật độ hành khách tăng cao như: Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới…

Đơn vị này cũng sẽ chạy thêm 18 chuyến tàu trên các tuyến, gồm: tuyến Hà Nội - Đà Nẵng; Hà Nội - Đồng Hới; Hà Nội - Vinh; Hà Nội - Lào Cai. Các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long vẫn tiếp tục duy trì chạy thường xuyên 10 đôi/ngày. Trong khi đó, hệ thống bán vé trực tuyến của các hãng hàng không cũng thông báo còn nhiều chỗ trống với mức giá phù hợp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vừa ra tù lại 'xộ khám'

Mới ra tù nhưng Phi, Quang, Sang tiếp tục rủ thêm hai thanh niên đi cướp điện thoại bán lấy tiền tiêu xài.

Nguồn: Pháp luật Plus