Lần đầu trong 6 tháng, mức giảm sản xuất công nghiệp thu hẹp

07/09/2023 09:11

Kinhte&Xahoi Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp tháng 8, Bộ Công Thương hôm nay (6-9) cho biết, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất đạt ngưỡng 50 điểm, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng ngày càng thu hẹp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực.

Cụ thể, trong tháng 8, PMI đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy, các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...

Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành ước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, lũy kế 8 tháng so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng thu hẹp. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%.

IIP trong 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao là Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%...

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,4%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%...

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%....

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; xăng, dầu tăng 10,1%; tivi tăng 10%; phân DAP tăng 9%; thuốc lá bao và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%.

 Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xử lý trên 11 triệu thuê bao không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tại họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều nay, 6-9, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, từ tháng 5 đến tháng 8-2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã xử lý trên 11 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/lan-dau-trong-6-thang-muc-giam-san-xuat-cong-nghiep-thu-hep-640177.html