Lắng đọng cảm xúc cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" tri ân các anh hùng liệt sĩ

28/07/2022 06:43

Kinhte&Xahoi Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), tối 27/7, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, cùng Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, An Giang.

Tham dự chương trình tại điểm cầu Tượng đài liệt sĩ đường Bắc Sơn ở Thủ đô Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội

Tại điểm cầu đền Bến Được (huyện Củ Chi, TP HCM) - nơi ghi dấu 45.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có: Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; nguyên Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, các đại biểu dự chương trình tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đại biểu dự chương trình tại đầu cầu TPHCM - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Nhật Bắc

Điểm cầu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Công Sáng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tới dự chương trình tại đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: Trần Mạnh

Tại điểm cầu đền thờ tưởng niệm xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dâng hương tại Đền thờ tưởng niệm tại thị xã Hoài Nhơn, điểm cầu Bình Định. Ảnh: Minh Trang

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Trần Quốc Khánh.

Điểm cầu An Giang có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang.

Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Giang. Ảnh: Hải Minh

Tham dự tại các điểm cầu còn có các Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương; các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương bệnh binh, người có công; các tầng lớp Nhân dân.

Điểm cầu Hà Nội của cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" được thực hiện tại tượng đài Bắc Sơn

Chương trình truyền hình trực tiếp đã tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Điểm cầu Hà Nội của cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" được thực hiện tại tượng đài Bắc Sơn - nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã dũng cảm, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Màn biên đạo múa ca khúc Thời hoa đỏ đầy bi tráng

Cùng với những câu chuyện sâu lắng, âm nhạc sẽ là sợi dây xuyên suốt được ê kíp sử dụng để kết nối và truyền tải nội dung.

Những màn biên đạo múa uyển chuyển cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hứa hẹn những tiết mục hào hùng, xúc động.

Tiết mục liên khúc tái hiện hình ảnh về cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972

Bên cạnh Hà Nội, cầu truyền hình còn mang tới những hình ảnh và giây phút linh thiêng, lắng đọng từ các điểm cầu: TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, An Giang.

Xuyên suốt 3 chương - Những dấu chân hòa bình, Bài ca không quên và Khát vọng hòa bình - là những trang sử hào hùng của dân tộc, với biết bao con người đã ngã xuống cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

"Những dấu chân hòa bình" để lại dấu ấn về một thời không thể quên. Đã có hy sinh và mất mát, có những nỗi đau không thể xóa nhòa. Thế hệ hôm nay luôn mang trong mình "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống và sự hy sinh cao cả của các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tiết mục văn nghệ tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: Minh Trang

Và hôm nay, những thế hệ đã đi qua cuộc chiến hay những người được hạnh phúc sống trong thời không dội tiếng đạn bom đều lắng lòng, kể cho nhau nghe về những dấu chân đã làm nên hòa bình.

Ngoài các tiết mục ca múa nhạc với những bài hát truyền thống, cách mạng… điểm nhấn của chương trình, mỗi điểm cầu kể về một câu chuyện riêng, có giá trị lịch sử.

Tiết mục liên khúc với sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ tái hiện hình ảnh về cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972

Tuổi 20 để lại nơi chiến trường "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Đó là câu chuyện về thanh niên Hà Nội rời Thủ đô, ra đi, vào vùng chiến sự nóng bỏng bắt đầu từ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Với tinh thần của những con người mới 18, đôi mươi ấy, từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tạm rời xa sách vở, phấn trắng, bảng đen, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Ở bến đò sông Gianh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung đã ngã xuống.

“Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa/Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy” - đó là những dòng chữ cuối cùng được ghi trong quyển nhật ký của liệt sĩ Huỳnh Kim Trung, sinh năm 1952. Trong mắt bạn bè, anh là một người khéo léo, cương trực. Năm đó, học sinh miền Nam được ưu tiên đi học ở nước ngoài, chàng trai trẻ Huỳnh Kim Trung là một trong số những người được cử đi học tại Ba Lan thế nhưng anh chọn theo ngành Công an. Khi đó anh làm đơn xin đi tập sự ở Quảng Bình.

Năm 1972, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt ở cả 2 miền Nam Bắc. Ở miền Bắc, sau khi tạm ngừng bắn phá có hạn chế, đế quốc Mỹ lại tập trung đánh phá từ vĩ tuyến 17 trở ra. Quảng Bình, vùng đất được gọi là tọa độ lửa, ngày đêm hứng trọn bom đạn Mỹ và anh lính Công an tập sự 20 tuổi Huỳnh Kim Trung là một trong số nhiều thanh niên khác đã tình nguyện xung phong, dấn thân vào nơi khốc liệt nhất ấy.

“Kho đạn mà Huỳnh Kim Trung bảo vệ nằm gần bến phà sông Gianh, là tổng kho cung cấp đạn cho chiến trường Quảng Trị. Hôm đó, 20/8/1972, đợt 2 của chiến dịch mùa hè đỏ lửa bị địch tấn công ác liệt. Bốn bề lửa cháy, đạn nổ, đè bẹp con người. Khi đó, Trung sĩ Huỳnh Kim Trung hò hét mọi người vừa khiêng đạn vừa hướng dẫn hết bên này đến bên kia, tất cả mọi người xông vào vác đến thùng đạn thứ 50 thì kíp đạn phát nổ, bạn (liệt sĩ Huỳnh Kim Trung) bị thương nặng rồi nhắm mắt ra đi vĩnh viễn”, đồng đội liệt sỹ Huỳnh Kim Trung nhớ lại.

Những trang nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, của liệt sĩ Huynh Kim Trung về nỗi đau chứng kiến đồng đội ra đi nơi chiến trường khiến bài hát về "tuổi 20 chưa một lần yêu thương, chỉ có ước mơ xanh màu lính" tại điểm đầu tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn, Hà Nội càng da diết.

"Chỉ cần một phút yên lặng chúng tôi đã thấu hiểu giá trị của hòa bình"

 Câu chuyện người cha bộ đội (liệt sĩ Đinh Công Thảo) duy nhất bà Đinh Thị Nga (Hà Yên, Hà Trung, Thanh Hóa) nhớ được là ngày gia đình nhận giấy báo tử của ông.

Hành trình gia đình cùng đồng đội đi tìm liệt sĩ Đinh Công Thảo được tái hiện. Lần theo các đầu mối, một liệt sĩ Đinh Văn Thảo với thông tin trùng khớp đã được tìm thấy, tại nghĩa trang Ngọc Hồi, Kon Tum.

Các cựu chiến binh tại đầu cầu Bình Định

Những nấm mộ "liệt sĩ chưa xác định được thông tin" và những giọt nước mắt đau đáu của thân nhân liệt sĩ là hình ảnh ám ảnh tại chương trình.

Cũng tại điểm cầu TP HCM, thân nhân một liệt sĩ xúc động chia sẻ về nguyện vọng, quyết tâm tìm kiếm được hài cốt người thân là liệt sĩ Đỗ Văn Bân (quê Thanh Hóa), hi sinh ở phía Nam khi mới 25 tuổi.

Tại chương trình, lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trao cho người cháu liệt sĩ Đỗ Văn Bân một kỷ vật của liệt sĩ, là một chiếc kẹp tóc bằng thép không gỉ, được chôn cất cùng thi hài liệt sĩ. Người cháu liệt sĩ không kìm nén được xúc động, bật khóc khi nhận lại kỷ vật của người thân.

Tại An Giang, cựu chiến binh Võ Thanh Chiên (thương binh mất 81% sức khỏe) kể lại những ngày ác liệt tại chiến trường Campuchia.

"Chỉ cần một phút yên lặng chúng tôi đã thấu hiểu giá trị của hòa bình" - ông Chiên kể.

An Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sông Tiền và sông Hậu chảy qua, có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp Campuchia. Trong chiến tranh biên giới, máu của hàng vạn người dân vô tội hai nước Campuchia và Việt Nam đã đổ dọc biên giới vì sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ. Ngày 7/1/1979 đã đi vào lịch sử như mốc son của của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng và Nhân dân Campuchia giải phóng Phnom Penh, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Quên mình vì nền hoà bình nước bạn, rất nhiều quân tình nguyện Việt Nam đã nằm lại đất bạn - và phải mất nhiều năm các anh mới được đón trở về đất mẹ.

Trở về với cuộc sống thời bình, ông Chiên bắt tay vào làm kinh tế. Ông còn xây dựng một ngôi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ được sống trong hòa bình.

Ông Chiên nguyện, khi đã là người may mắn được quay về sẽ làm mọi việc để cống hiến cho quê hương, chung tay xây dựng đất nước.

Những đóng góp của hàng triệu cựu chiến binh đã mang lại những vùng đất trù phú của đất nước. An Giang nay là vựa lúa, vựa cá, là vùng biên cương vững chắc, hòa bình nơi địa đầu phía Tây Nam Tổ quốc...

Với nội dung chương trình đã được dàn dựng và tập luyện công phu, "Khúc tráng ca hòa bình" không chỉ là dịp để nhân dân cả nước, thế hệ trẻ tri ân các Anh hùng liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến, mà còn là dịp để tuyên truyền ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh - Liệt sĩ...

Qua đó khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”..., đồng thời thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng…

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Loa truyền thanh xã, phường hoạt động theo cách thức mới

Cách thức hoạt động, vận hành của loa truyền thanh xã, phường đang được dư luận quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, sáng nay, 27-7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã trao đổi với báo chí về một số nội dung của kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lang-dong-cam-xuc-cau-truyen-hinh-khuc-trang-ca-hoa-binh-tri-an-cac-anh-hung-liet-si-202074.html