Làng nghề Phú Nghĩa xoay xở trong mùa Covid-19

28/08/2020 16:56

Kinhte&Xahoi Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu sản phẩm của làng nghề mây tre đan (MTĐ) Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ bị gián đoạn. Để trụ vững trong thời điểm này, các hộ làm nghề ở đây đã chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa.

Người dân làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa chủ động chuyển đổi trong mùa Covid-19.

Làng nghề MTĐ Phú Nghĩa có truyền thống hàng trăm năm nay. Ngoài sản xuất những đồ dùng thông dụng trong cuộc sống hàng ngày như đĩa, khay, túi xách, rổ, rá… người thợ làng nghề Phú Nghĩa còn khéo léo sáng tạo ra những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, đồ trang trí nội thất, đồ trang sức… Các sản phẩm đa dạng với nhiều kiểu dáng, kích thước, được làm từ nguyên liệu cỏ, mây, tre...

Chủ tịch Hội làng nghề MTĐ Phú Nghĩa Nguyễn Văn Trung cho biết, toàn xã Phú Nghĩa hiện có hơn 10.000 hộ dân thì có tới 98% làm nghề MTĐ. Làng nghề giải quyết công ăn việc làm cho 4.700 lao động. Với chất lượng cao, sản phẩm MTĐ Phú Nghĩa đã chinh phục khách hàng nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc... Chỉ tính riêng năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu MTĐ của làng nghề đạt 190 tỷ đồng. Nhờ có nghề truyền thống nên đời sống của người dân nơi đây khá sung túc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu của làng nghề trầm lắng. Người dân chủ yếu hoàn thiện những đơn hàng đã ký trước đó, song cũng không ít đơn hàng bị hủy bỏ. “So với thời điểm này năm trước, lượng hàng xuất đi của làng nghề giảm khoảng 70%” – ông Trung thông tin. Để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, làng nghề Phú Nghĩa đã nhanh chóng chuyển đổi sang khai thác thị trường nội địa, chuẩn bị kỹ các bước tiếp theo để có thể tăng tốc trở lại. Theo đó, các cơ sở MTĐ ở Phú Nghĩa sáng tác những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.

DN của ông Vương Văn Trị là một cơ sở làm MTĐ lớn nhất, nhì tại Phú Nghĩa. Năm 2019, DN của ông có doanh thu 70 tỷ đồng từ hàng xuất khẩu. Tuy nhiên năm nay, ông Trị chỉ đặt mục tiêu doanh thu 30 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài làm đơn hàng xuất khẩu, ông Trị chuyển sang làm 2 dòng sản phẩm để phục vụ tiêu dùng nội địa, gồm đồ dùng thủ công mỹ nghệ cao cấp, có tính chất kỹ xảo và dòng sản phẩm bình dân, đơn giản. “Điều kiện thời tiết ở nước ta nóng ẩm nên sản phẩm MTĐ dễ bị ẩm mốc. Do đó, chúng tôi cũng đang tập trung nghiên cứu công nghệ để khắc phục hạn chế này” – ông Trị cho hay.

Bên cạnh đó, các DN ở Phú Nghĩa còn chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online, nhiều hội nhóm đã được lập ra nhằm trao đổi thông tin hàng hóa. Đây được xem là một trong những hướng đi hiệu quả khi giao thương, buôn bán bị hạn chế bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, người làng nghề cũng tranh thủ thời gian này để nâng cao tay nghề, học hỏi thêm những kỹ thuật đan mới, chuẩn bị sẵn nguồn lực sẵn sàng tăng tốc khi dịch đi qua.

 Phương Nga - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà hàng, quán ăn: Nhiều vướng mắc trong triển khai

Theo quy định của UBND TP Hà Nội, từ 0 giờ ngày 19/8, các quán cà phê, nhà hàng phải đo thân nhiệt cho khách, giữ khoảng cách tối thiểu 1m nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với đợt giãn cách trước, việc giám sát thực hiện các quy định này đang bộc lộ không ít bất cập.

Vẫn có nguy cơ bùng phát những đợt dịch Covid-19 mới

Tại buổi giao ban trực tuyến với các bệnh viện tuyến trung ương và Sở Y tế các tỉnh, TP trong cả nước ngày 27-8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, thời gian tới chúng ta tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng vì mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, do đó có thể bùng phát thành đợt mới nếu lơ là, mất cảnh giác.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/lang-nghe-phu-nghia-xoay-xo-trong-mua-covid-19-394563.html