Lạng Sơn: Danh sách xét tuyển công chức 2018 xôn xao cộng đồng mạng

10/10/2018 15:05

Kinhte&Xahoi Những ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội có đăng tải danh sách của Tỉnh ủy Lạng Sơn về nhu cầu tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2018 tại tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, danh sách này đưa ra các tiêu chí xét tuyển mà dư luận cho là bất hợp lý.

Cụ thể, chiều 5/10, trên các trang mạng xã hội (Facebook) xuất hiện danh sách "Nhu cầu tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2018" của Tỉnh ủy Lạng Sơn. Theo danh sách này, sẽ có 40 vị trí cho 40 người được xét tuyển vào Khối Đảng, Đoàn thể tỉnh Lạng Sơn, Đoàn thể các huyện trên địa bàn.

Danh sách "Nhu cầu tiếp nhận công chức không qua thi tuyển năm 2018" trên mạng xã hội. (TTTDLS).

Dư luận rất quan tâm, thắc mắc về các tiêu chí xét tuyển đối với từng vị trí làm việc tại từng cơ quan đang có nhu cầu tiếp nhận. Cụ thể là Ban Tổ chức Thành ủy Lạng Sơn có nhu cầu tiếp nhận một người cho vị trí chuyên viên tổ chức xây dựng Đảng. Tuy nhiên, yêu cầu về trình độ đối với vị trí này là trình độ đại học chuyên ngành sư phạm âm nhạc, trình độ tin học cơ bản, ngoại ngữ B và là Đảng viên. Hay như vị trí chuyên viên công tác Hội Phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành Ủy Lạng Sơn yêu cầu trình độ đại học chuyên ngành sư phạm tiếng Trung…

Sau khi danh sách này xuất hiện công khai trên mạng xã hội, rất đông người đọc, người dân thắc mắc, tò mò và có chút hoài nghi về năng lực của những người sẽ được tuyển dụng cho các vị trí làm việc mới. Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu một người được đào tạo chuyên ngành sư phạm âm nhạc có đủ năng lực và trình độ để làm việc tại vị trí chuyên viên Tổ chức xây dựng Đảng? Những kiến thức, kỹ năng sư phạm âm nhạc sẽ phục vụ, vận dụng như thế nào đối với vị trí mới nằm trong Khối Đảng? Vị trí chuyên viên công tác Hội Phụ nữ có nhất thiết phải yêu cầu sư phạm tiếng Trung hay không? Những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành được đào tạo phục vụ như thế nào đối với vị trí chuyên viên công tác Hội Phụ nữ này?

Nhiều người tỏ ra hoang mang và thắc mắc về các yêu cầu xét tuyển, đồng thời hoài nghi về năng lực của những cán bộ này.

Bên cạnh đó, nhiều người còn tỏ ra hoài nghi và cho rằng, thông báo trên chỉ mang tính hình thức, còn kết quả đã có lâu rồi (?).

Để rộng đường dư luận, sáng 8/10, P.V Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toán - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ông Toán cho biết, danh sách xuất hiện trên mạng xã hội đang được sự quan tâm chỉ là danh sách ban đầu, tổng hợp nhu cầu về nhân sự cho các vị trí của các Cơ quan Khối Đảng, Đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

"Chúng tôi cũng đã thiếu sót khi không ghi rõ đầy đủ, cụ thể đối tượng đủ điều kiện xét tuyển khiến dư luận, các bạn đã tốt nghiệp đại học, các phụ huynh có con em đáp ứng đủ các tiêu chí ghi trong danh sách dẫn tới nhầm lẫn, thắc mắc và hoang mang", ông nói.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Theo ông, đây là kỳ xét tuyển công chức nên theo Điều 10 – Thông tư 13/2010/TT-BNV, tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt: Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; trường hợp sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác thì trong thời gian công tác này phải không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Người có kinh nghiệm công tác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển phải bảo đảm các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Điều 1 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển, không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật.

Theo Điều 19 – Nghị định 24/2010/NĐ-CP, người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

"Chúng tôi căn cứ vào các quy định trên để tiến hành xét tuyển công chức không qua thi tuyển. Vì là danh sách ban đầu nên chúng tôi cũng có sự thiếu sót, không ghi cụ thể về đối tượng tham gia kỳ xét tuyển khiến dư luận hoang mang", ông Toán nói.

Cũng theo ông Toán, những ứng viên đáp ứng các tiêu chí xét tuyển đưa ra ban đầu, sau đó sẽ có một Hội đồng chấm sát hạch. Nếu vượt qua được kỳ thi sát hạch, ứng viên mới đủ điều kiện để làm việc tại vị trí làm việc mới.

Khi PV Dân Việt hỏi về ngành sư phạm chiếm ưu thế trong danh sách, vị này cho biết, khi cán bộ đảm nhận các công việc này nghỉ hưu, cần một người mới có năng lực, trình độ đảm nhận, nên nguồn để thay thế, đảm nhận các vị trí này sẽ xét tuyển chủ yếu từ ngành sư phạm vì nguồn nhân lực này trên địa bàn tỉnh đang rất đông.

Trả lời câu hỏi "Người mà được đào tạo về chuyên ngành sư phạm âm nhạc chuyển sang làm việc tại vị trí chuyên viên tổ chức xây dựng Đảng, liệu có đảm bảo làm tốt nhiệm vụ được giao trong khối Đảng?", ông Toán cũng cho biết: "Bao giờ cũng vậy, khi bắt đầu với một vị trí làm việc mới, một trọng trách, một nhiệm vụ mới thì cán bộ đó phải trải qua các lớp tập huấn, phải có quá trình học tập, trau dồi kinh nghiệm".

Để làm rõ vấn đề nguồn nhân lực ngành sư phạm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất đông và trong danh sách xét tuyển ngành sư phạm chiếm ưu thế, iệu các đơn vị, cơ quan có nhu cầu về nhân sự có bị chịu sức ép, PV đã trao đổi với bà Hoàng Thị Thanh Phương phó Ban tổ chức Thành Ủy Lạng Sơn. Bà Thanh cho biết: "Đúng là cơ quan chúng tôi có đề xuất xét tuyển công chức, cán bộ viên chức làm việc tại vị trí chuyên viên Tổ chức xây dựng Đảng. Thực tế, hiện tại cán bộ này đã đảm nhận vị trí công việc đó được hơn 3 năm và đang làm rất tốt".

Theo bà Phương, những cơ quan, đơn vị có sự sắp xếp với nhau về cán bộ, những đồng chí này ở đơn vị này nhưng nhu cầu sử dụng cán bộ không nhiều bằng những đơn vị khác thì trước hết là dùng biện pháp tăng cường biệt phái đến làm việc tại một số cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Những cán bộ này họ đều đã có một quá trình, thời gian làm việc lâu chứ không phải mới hoàn toàn.

"Riêng với đơn vị Ban tổ chức chúng tôi thì không có một chuyên ngành cụ thể nào đào tạo liên quan đến từng công việc cụ thể. Nên qua quá trình làm việc nhận thấy ai có phẩm chất đạo đức, năng lực thực sự phù hợp với công việc thì chúng tôi sẽ sử dụng. Trường hợp cán bộ bên chúng tôi thì mặc dù bằng cấp đào tạo là chuyên ngành sư phạm âm nhạc nhưng đã có thời gian dài trau dồi, tiếp cận kiến thức và nhiều năm kinh nghiệm nên chúng tôi đánh giá cao về trình độ và năng lực. Nhận thấy được năng lực làm việc của cán bộ viên chức này nên chúng tôi đề xuất xét công chức để chuyển đổi ngạch công chức cho hợp lý", bà Phương nói.

Danh sách xét tuyển Công chức tại Lạng Sơn 2018 (ảnh. TTTDLS).


Bà Trần Thị Bích Hường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Lạng Sơn cũng cho biết: "Hiện tại Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đang thiếu một cán bộ phụ trách Công tác của Hội. Đơn vị chúng tôi hiện nay quy định 4 biên chế nhưng hiện tại chỉ có 3 nên tôi đã có đề xuất cần một cán bộ đảm nhiệm vị trí Chuyên viên công tác Hội góp phần đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ quan được giao".

Khi được hỏi yêu cầu về trình độ, năng lực đối với cán bộ được xét tuyển vào vị trí chuyên viên công tác Hội thì bà Hường cho biết: "Yêu cầu phải có trình độ Đại học và nếu từng có kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực Hội phụ nữ thì càng tốt, có phẩm chất đạo đức tốt. Chúng tôi không đưa ra yêu cầu cụ thể là phải chuyên ngành sư phạm tiếng Trung".

Câu hỏi dư luận đặt ra ở đây đó là: Liệu một cán bộ được đào tạo bài bản về một chuyên ngành lại làm việc tại một vị trí khác xa so với chuyên ngành được đào tạo, chỉ qua các lớp tập huấn, tự trau dồi kiến thức liệu những cán bộ này có thực sự đủ năng lực, đủ trình độ để đảm nhiệm vị trí, nhiệm vụ mới góp phần xây dựng Đảng, Đoàn thể trong sạch, vững mạnh?


Theo Dân Việt/Phapluatplus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ai được lợi từ vụ xây nhà hát ở Thủ Thiêm?

Báo cáo trước HĐND TPHCM, Phó chủ tịch thành phố Lê Thanh Liêm cho hay, dự án nhà hát với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (Quận 1). Vậy ai được lợi từ việc xây nhà hát và tại sao HĐND lại hối hả bấm nút nhanh như vậy?

Những ký ức khó quên ngày đoàn quân chiến thắng tiếp quản Thủ đô

64 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức các nhân chứng lịch sử, ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô vẫn là khoảnh khắc hào hùng. Hình ảnh “trùng trùng quân đi như sóng” như mang cả trong mình khát vọng và hoài bão của biết bao chàng trai, cô gái Hà Nội thuở ấy, ra đi để hẹn ngày trở về trong niềm vui chiến thắng.