Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự lễ khai bút và tôn vinh sản xuất các làng nghề truyền thống Thường Tín

09/02/2022 19:21

Kinhte&Xahoi Sáng 9-2, tại khu Văn Từ Thượng Phúc (thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dự lễ gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên; chương trình khai bút và tôn vinh hoạt động sản xuất các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham gia khai bút đầu Xuân tại khu Văn Từ Thượng Phúc (thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín).

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín là vùng đất “trăm nghề” với nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay. Trong số 126 làng cổ có nghề, có 48 làng được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống.

Với mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, gắn với du lịch làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tri ân các vị tổ nghề, thời gian qua, huyện Thường Tín luôn coi trọng việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề, lấy đó làm động lực để xây dựng huyện ngày càng văn minh giàu đẹp.

Đặc biệt, huyện đã chọn ngày 9 tháng Giêng hằng năm tại Văn Từ Thượng Phúc tổ chức lễ khai bút và sản xuất tại các làng nghề truyền thống như là hiệu lệnh, tiếng trống thúc giục cho sự khởi đầu một năm mới.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, mảnh đất Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay) nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long, là nơi hun đúc khí tốt, nơi hội tụ tinh anh rạng rỡ, sinh ra nhiều bậc hào kiệt, phát tích ra những bậc đại khoa có tiếng tăm lừng lẫy như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên... Nhiều gia đình, dòng họ nối đời thi đỗ làm quan, có những gia đình nối đời thư hương rạng danh sử sách, giúp ích cho cơ nghiệp quốc gia vẻ vang thiên cổ. Việc gắn biển tên đường các vị tiền nhân, tiên hiền, văn sĩ thể hiện việc huyện Thường Tín luôn chú trọng việc học, coi trọng đạo đức, bồi dưỡng hiền tài, hun đúc, giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.

 Lãnh đạo thành phố và huyện Thường Tín gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên.

Nhân dịp này, huyện Thường Tín đã vinh danh, khen thưởng 7 nghệ nhân tiêu biểu và nhiều tập thể, cá nhân khác đã có thành tích cao trong giữ gìn, bảo tồn các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Sau khi dâng hương, khai bút đầu Xuân và chứng kiến hoạt động sản xuất của làng nghề truyền thống, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo UBND thành phố đã tham gia lễ gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên.  

Đường Dương Trực Nguyên dài 1.580m, rộng 16,5m, từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín đến cầu Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Đường Lý Tử Tấn dài 1.430m, rộng 7,5m đoạn từ ngã ba giao cắt đường Dương Trực Nguyên tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín đến ngã ba giao cắt đường liên xã Văn Bình - Hòa Bình cạnh trạm điện 550kV.

 Vũ Thủy - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo đảm đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng vụ xuân 2022

Ngày 9-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội kiểm tra công tác cấp nước gieo cấy vụ xuân 2022 tại các huyện: Gia Lâm, Ba Vì, thuộc địa bàn phụ trách của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1024332/lanh-dao-thanh-pho-ha-noi-du-le-khai-but-va-ton-vinh-san-xuat-cac-lang-nghe-truyen-thong-thuong-tin?