Lào Cai mong muốn có sân bay, Cục Hàng không băn khoăn nguồn vốn

01/06/2019 08:57

Kinhte&Xahoi Vốn thực hiện dự án đang là “điểm nghẽn” khi UBND tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng sân bay Sa Pa. Trong khi Lào Cai muốn được vốn ngân sách hỗ trợ hơn 3.000 tỷ thì đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết việc bố trí khoản vốn trên là khó khăn trong bối cảnh ngân sách hạn chế.

Phối cảnh ban đầu sân bay Sa Pa.

Bộ GTVT đề xuất đầu tư BOT

Việc xây dựng sân bay Sa Pa được đánh giá là cần thiết, nhưng vốn đâu để thực hiện đang là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Lào Cai quan tâm.

Trao đổi với PLVN, ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (ông Trường đang kiêm Giám đốc Sở GTVT – Xây dựng Lào Cai) cho biết, việc xây dựng sân bay Sa Pa đang được Lào Cai xin ý kiến Thủ tướng; hiện đang chờ trả lời của Văn phòng Chính phủ. “Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện chi tiết quy hoạch trình Bộ GTVT phê duyệt. Sau khi điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ đề xuất dự án sân bay Sa Pa một cách chi tiết”, ông Trường nói.

Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai gửi Thủ tướng văn bản, đề nghị chấp thuận xây sân bay Sa Pa theo hình thức kết hợp giữa đầu tư công và đối tác công tư (PPP). Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao, GTVT, Tài chính, Xây dựng… về đề xuất đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa của UBND tỉnh Lào Cai trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai, sân bay Sa Pa được xây dựng ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Cảng hàng không này sẽ được xây dựng với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO), sân bay quân sự cấp II, công suất 2,5 - 3 triệu khách/năm. Sân bay sẽ có 9 vị trí đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 5.900 tỷ đồng.

Về phương án vốn, địa phương đề nghị trung ương (TW) hỗ trợ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng khu bay và đường trục vào cảng. Lào Cai sẽ chi hơn 910 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt, tái định cư, rà phá bom mìn. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ chi khoảng gần 132 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay. Phần còn lại, khu nhà ga hàng không dân dụng, kho nhiên liệu hàng không sẽ xây dựng theo hình thức BOT, dự kiến hơn 1.700 tỷ đồng.

Trước đề xuất này của Lào Cai, ông Đào Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi Bộ GTVT, cho rằng việc Lào Cai đề xuất ngân sách TW bố trí hơn 3.000 tỷ đồng là khó khăn trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Cục này cũng đề xuất nên xây dựng toàn bộ sân bay theo hình thức BOT.

“Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hạn chế, để giảm áp lực cho NSNN đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư - quản lý - khai thác - bảo trì cũng như đảm bảo vai trò chủ trì của người khai thác cảng hàng không trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ tại cảng, Cục Hàng không kiến nghị đầu tư toàn bộ theo hình thức BOT ngoại trừ các hạng mục quản lý điều hành bay sẽ giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam”, văn bản Cục Hàng không phân tích.

Chờ ý kiến từ Trung ương

Trước ý kiến này của đại diện Bộ GTVT, PLVN đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Lào Cai để xem phương án vốn được tỉnh này tính toán thế nào nếu ngân sách TW không hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, việc có quyết định dùng vốn TW đầu tư sân bay Sa Pa hay không phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ và các bộ, ngành TW. Nói về phương án nếu TW không hỗ trợ ngân sách, ông Vịnh cho rằng “cái này do UBND tỉnh Lào Cai và nhà đầu tư bàn bạc, thống nhất”.

Liên quan đến việc nếu ngân sách TW không hỗ trợ dự án sân bay Lào Cai thì phương án vốn được thực hiện thế nào, ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đang phải chờ trả lời của Văn phòng Chính phủ, đồng thời chờ Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án sân bay Sa Pa. Ông Trường mong muốn được các cơ quan TW và dư luận ủng hộ Lào Cai trong việc xây dựng cảng hàng không Sa Pa.

Nói về đề xuất của Lào Cai xây dựng sân bay Sa Pa, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng việc đầu tư sân bay địa phương như Sa Pa là cần thiết, thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng đề xuất của Lào Cai chưa đầy đủ. 

Chủ tịch ACV cho rằng đề xuất phải bao gồm phương án khai thác sau khi xây dựng. “Giả sử có ngân sách đầu tư vào khu bay thì ngân sách đầu tư xong ai là người khai thác. Mà khai thác khu bay thì thường phải bù lỗ, chỉ có khu nhà ga và một số khu dịch vụ khác có lãi. Cái đấy chưa được tính trong phương án, phải tính phương án khai thác từng khu sau xây dựng, ai khai thác, ai chịu lỗ, ai bù lỗ”, ông Thanh phân tích. 

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện

Ngày 30/5, Quốc hội (QH) thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.