Chuối là cây trồng chủ lực tại các xã ven sông ở các huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Mê Linh...
Hiệu quả nhưng chưa bền vững
Nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất bãi ven sông Hồng, ông Sái Văn Triệu (xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh) đã bắt tay với nông dân phát triển vùng canh tác chuối rộng hàng chục héc ta. Không chỉ thu lợi nhuận nhiều tỷ đồng mỗi năm, mô hình kinh tế còn mang lại thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.
Ông Sái Văn Triệu, một trong những người tiên phong phát triển vùng trồng chuối theo hướng hàng hóa, cho hay, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm chuối cao nên đã thuê khoán lại của các hộ dân để trồng.
Sau nhiều năm gom góp, tổng diện tích canh tác chuối (chủ yếu là giống chuối tiêu hồng) của hộ ông Triệu đã lên tới hơn 70ha. Ông Triệu mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, bảo quản theo hình thức lắp ghép giản đơn để chủ động hơn trong quá trình cung ứng sản phẩm ra thị trường. Hiện, sản phẩm chuối của hộ ông Triệu đã xây dựng được mối liên kết tiêu thụ với nhiều thương lái. Đặc biệt, mỗi năm có hàng trăm tấn chuối được ông xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Triệu là một trong những nông dân làm giàu từ cây chuối ở các xã ven sông, tuy nhiên, do chưa được cấp mã vùng trồng nên xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không ổn định. Theo ông Dương Văn Sơn, Trạm phó Trạm thực nghiệm cây trồng - Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Thủ đô có nhiều diện tích ven sông như sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Đà, với các bờ bãi phù hợp cho cây chuối phát triển. Hiện, diện tích gieo trồng chuối của Hà Nội đạt khoảng 3.300ha, đứng thứ 2, sau cây bưởi, với sản lượng đạt 74.195 tấn, hiệu quả kinh tế đạt từ 350 đến 400 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tại một số vùng trồng chuối chuyên canh của Hà Nội xuất hiện tình trạng ứ đọng chuối do bà con trồng tự phát, khi tiêu thụ bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Lập mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch
Để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, hướng tới xuất khẩu bền vững, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng chuối.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội. Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu, các Hiệp định thương mại tự do mới Việt Nam ký kết, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống/tiêu chuẩn OTAS; khảo sát, đánh giá vùng trồng; thu thập thông tin vùng trồng, tiến hành đo đạc và lập bản đồ vùng trồng chuối; thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng, nhập dữ liệu vùng trồng lên hệ thống OTAS, hồ sơ điện tử, cắm biển mã số và kích hoạt trên hệ thống, cấp tem mã số vùng trồng gắn lên sản phẩm...
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối ngày càng nâng cao.
Trên cơ sở nền tảng việc cấp mã vùng trồng chuối đang triển khai hiệu quả, năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ trồng mới 25ha, quy mô 5ha trở lên; ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu 10ha, quy mô 3ha trở lên ở mỗi điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết hướng tới xuất khẩu...
Bạch Thanh - Hà Nội mới