Lễ mừng thọ - Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt đầu Xuân

25/02/2019 14:24

Kinhte&Xahoi Lễ mừng thọ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt trong mỗi dịp đầu Xuân khi con cháu sum vầy, tràn đầy tình thân. Sự kiện này thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên.

Lễ mừng thọ, nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt 

Cho đến nay, không rõ phong tục mừng thọ chính xác có từ bao giờ, ngay cả những cụ già tóc bạc phơ cũng không biết phong tục mừng thọ đầu Xuân chính xác có lúc nào. Chỉ biết rằng, đây là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Lễ mừng thọ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt dịp đầu Xuân...
... đây là dịp con cháu quây quần đông đủ nhất bên ông bà, cha mẹ.

Những người được làm Lễ chúc thọ là những cụ cao tuổi. Cụ nào càng nhiều tuổi, con cháu đề huề thì được coi là có phúc có đức, được lộc trời ban và con cháu tự hào vì có ông, bà đại thọ. Vào những năm chẵn tuổi của ông bà, các con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức Lễ mừng thọ với ý nguyện chúc ông, mừng bà sống lâu, sống khỏe. Theo đó Lễ "thượng thọ" có thể bắt đầu từ lúc 60 tuổi gọi là thượng thọ lục tuần, lúc 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, lúc 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì ăn mừng lớn - gọi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Lễ mừng thọ thường được tổ chức vào những năm chẵn tuổi, từ 60 tuổi đã có thể tổ chức lễ lượng thọ.

Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Điều này thể hiện ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng. Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc; con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng.

Thường lễ mừng thọ sẽ được tổ chức tại nhà, các cụ sẽ mặc trang phục trang trọng, với khăn đóng áo dài, chân đi hài...

Thông thường, những nghi thức trong Lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng nơi, từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau. Nhưng cơ bản thì Lễ mừng thọ thường được tổ chức tại gia, các cụ cao niên sẽ mặc trang phục trang trọng (thường là khăn đóng áo dài, chân đi hài), màu sắc áo tùy theo tuổi thọ. Các cụ sẽ ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà để con cháu lần lượt kính Lễ và dành tặng những món quà ý nghĩa như tấm áo, chiếc khăn, bức tranh, câu đối đỏ hay bức trướng,... tựu chung lại là những món quà gửi gắm tấm lòng, sự kính trọng đối với thế hệ đi trước.

Trong lễ mừng thọ, các cụ sẽ được con cháu tặng những món quà ý nghĩa thể hiện sự kính trọng đối với thể hệ đi trước.
  Lần lượt các con cháu trai, gái, dâu, rể lên tặng quà và chúc thọ ông bà, bố mẹ với những lời tốt đẹp nhất, ý nghĩa nhất.

Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì đông con, nhiều cháu lại hiếu thảo, lễ nghĩa. Họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cháu, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Về phần con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

Thông qua lễ mừng thọ, người già sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì con cháu quây quần đông đủ, lại hiếu thảo, lễ nghĩa
Ngày nay với những giá trị nhân văn, Lễ mừng thọ cũng được tổ chính quyền địa phương duy trì tổ chức với nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ sôi nổi.

Lễ  mừng thọ dịp đầu Xuân đã trở thành nề nếp, được duy trì như một nét đẹp truyền thống của các gia đình Việt với nhiều thế hệ

Với truyền thống tốt đẹp trên ngày nay, ở một số vùng, Lễ mừng thọ được chính quyền địa phương tổ chức tại UBND xã, đình làng hoặc nhà văn hóa cho tập thể các cụ trong vùng. Buổi Lễ được tổ chức long trọng theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương với nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ sôi nổi. Tất cả đã trở thành nề nếp, được duy trì như một nét đẹp truyền thống ngày đầu Xuân năm mới ở các thôn làng. Điều này còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người cao tuổi, là tấm lòng thành kính của thế hệ trẻ đối với những người đi trước đồng thời là nguồn động lực lớn để người già sống vui, khỏe, có ích.

Đình Dũng /HATAP












CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền nhiều để làm gì?

Những ngày gần đây, cuộc ly hôn ồn ào giữa vợ chồng đại gia phố núi tốn nhiều giấy mực của báo giới và dư luận. Nhiều câu nói "gây bão" , đặc biệt là khi nói về cuộc hôn nhân đã gắn bó gần 20 năm