Liêm chính trong xây dựng pháp luật

26/03/2021 10:28

Kinhte&Xahoi ĐBQH Nguyễn Mai Bộ khẳng định, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội.

Ngày 26/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống; xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi, đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) Ảnh Quochoi.vn

"Công tác thẩm tra, thẩm định dự án luật còn nhiều sơ hở"

Tại nghị trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ tán thành cao nội dung các báo cáo của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là khẳng định vị trí, vai trò và thành công của Quốc hội Khóa XIV.

“Những dự án luật vẫn còn tình trạng không phù hợp với chính sách, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận. Dự án luật chưa đánh giá đầy đủ sâu sắc tác động đến kinh tế xã hội tình hình trong nước, quốc tế. Không lường trước hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định. Ví dụ như quy định đưa phạm nhân ra ngoài doanh nghiệp, bổ sung một lực lượng an ninh cơ sở hàng triệu người không tính đến những khó khăn, tính khả thi của dự thảo luật, tương quan lực lượng các lĩnh vực và giải pháp chính sách cho lực lược công an xã đang và đang quy định hiện hành.

Công tác thẩm tra, thẩm định dự án luật còn nhiều sơ hở, một số dự án được đưa ra để lọt lưới chính sách không phù hợp có dấu hiệu của lobby, không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số ĐBQH chưa đáp ứng nhu cầu, thậm chí còn có trường hợp dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu thể hiện quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.

Ngày kỳ họp đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải tăng cường giám sát, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của hội đồng dân tộc và các Ủy ban đã đi về các vấn đề trọng yếu của đất nước, cử tri quan tâm.

"Tôi xin kiến nghị ở Quốc hội kỳ sau, Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương khóa 13 ban hành Nghị quyết tăng cường năng lực, tiềm lực, hiệu quả giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Chú trọng việc sử dụng nguồn lực và sử dụng nguồn lực của đất nước. Quốc hội cần xây dựng là Quốc hội nhân văn không chỉ là trung tâm quyền lực mà còn trung tâm của đoàn kết.

Quốc hội cần công bằng, phần bổ nguồn lực, kiểm soát nguồn lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực.

Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ cho đất nước, đặc biệt đào tạo người minh chủ của quốc gia", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu kiến nghị.

Liêm chính trong xây dựng pháp luật

Là người thứ hai phát biểu, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) bày tỏ đồng tình rất cao và thể hiện niềm tự hào là Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã làm “tròn vai” của ĐBQH trước nhân dân với những quyết sách, kết quả đã được thể hiện trong báo cáo.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang). Ảnh Quochoi.vn

Đặt vấn đề câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ khẳng định, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên tắc để con người trở thành một công dân tốt cho đất nước, xã hội. 

Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, và ngày càng tốt đẹp hơn.

“Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật. Pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật” - ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Theo quan điểm của vị ĐBQH đoàn An Giang, nếu có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Các văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật mà các kỳ Quốc hội trước đã kỳ công ban hành. Đồng thời, không quy định thô thiển lợi ích của một số bộ, ngành đặc biệt là những bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật.

Vị ĐBQH này cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật “nhiều khuyết tật”. 

Cụ thể, khuyết tật thứ nhất đó là chồng chéo với các dự án luật mà các kỳ họp của Quốc hội khóa trước đã dày công để nghiên cứu, ban hành. 

Khuyết tật thứ hai là dự luật đó sẽ trở thành công cụ của cơ quan soạn thảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình hoặc xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ ngành đó. Khuyết tật thứ ba là vòng đời rất ngắn, kéo theo Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.

Quang Vũ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/liem-chinh-trong-xay-dung-phap-luat-d151801.html