Liệu có những “vụ Việt Á” trong lựa chọn sách giáo khoa?

24/05/2022 06:17

Kinhte&Xahoi Tán thành với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề này nên được thực hiện giám sát tối cao.

Chiều 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) tán thành với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới. Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng vấn đề này nên được Quốc hội giám sát tối cao.

Lý do, theo bà Thúy là hai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập. Việc Quốc hội giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Từ đó có định hướng, chỉ đạo, đổi mới hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, mặc dù 8 năm qua ngành giáo dục có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa THPT nhưng dư luận còn có một số ý kiến khác nhau về kết quả triển khai như: Giá sách giáo khoa, sắp xếp môn học lịch sử là môn học định hướng nghề nghiệp ở cấp học phổ thông. Có những vấn đề báo chí và dư luận đặt ra suốt từ kỳ họp trước và đến kỳ họp này vẫn chưa được giải quyết như là những sai sót trong cả 3 bộ sách giao khóa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng nêu những bất cập trong thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa, dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục; Rồi vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

"Thậm chí còn có những câu hỏi đặt ra liệu có những “vụ Việt Á” trong lựa chọn sách giáo khoa hay không? Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết", bà Thúy đề xuất.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, chuyên đề 3 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đổi mới chương trình, sách giáo khoa chính là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

"Tuy nhiên, cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ sách giáo khoa còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực, rồi có quá nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh. Đặc biệt, sách giáo khoa không được sử dụng lại gây khó khăn cho nhiều gia đình nghèo.

Vì thế, chúng ta cần phải giám sát chuyên đề 3 xem đâu là mặt được, chưa được để từ đó có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp", đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lieu-co-nhung-vu-viet-a-trong-lua-chon-sach-giao-khoa-197149.html