Hiện trường phát hiện thi thể 3 mẹ con ở Bắc Giang
Khoảng 14h ngày 5/7, trong lúc bắt cua, người dân xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) phát hiện 3 thi thể buộc chặt vào nhau trôi trên sông Thương (đoạn qua thôn Chùa, xã Đồng Sơn). Nạn nhân sau đó được xác định là Hà Thị N (SN 1984) và hai con là Trần Đại Q (SN 2016), Trần Thị Kim N (SN 2019), cùng trú tại tổ dân phố Phi Mô, thị trấn Vôi (Lạng Giang).
Người thân chị N đã tới bệnh viện nhận thi thể và lo hậu sự cho 3 mẹ con. Nguyên nhân ban đầu được cho là do mâu thuẫn gia đình. Sáng 4/7, người phụ nữ nhắn tin xin lỗi gia đình sau đó mất tích, người thân tìm kiếm nhiều nơi nhưng không thấy.
Một vụ mẹ ôm 3 con nhảy suối tự tử ở Hòa Bình cũng khiến dư luận rúng động.
Tối 6/5, Lý Thị H (24 tuổi, dân tộc Dao, trú tại xóm Suối Kho, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, Hoà Bình) mang theo 3 con nhỏ (gồm một cháu bé 5 tuổi, một cháu 2 tuổi và một bé khoảng 5 tháng tuổi) nhảy xuống dòng suối chảy ra sông Bôi, qua địa bàn xóm Bản Dao, xã Hùng Sơn. Hậu quả cả 4 mẹ con thiệt mạng.
Còn ngày 5/11/2019, người dân tại khu vực cầu Khuể (bắc qua sông Văn Úc, nối giữa huyện Tiên Lãng và huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) chứng kiến một phụ nữ đi xe máy chở theo 2 con nhỏ. Lên đến đỉnh cầu, sau khi cho 2 con ăn cháo, người phụ nữ bất ngờ ôm 2 con định nhảy xuống sông. Bé lớn đã vùng vẫy bỏ chạy và may mắn thoát được. Bé thứ 2 bị mẹ ôm cùng lao xuống sông.
Nạn nhân sau đó được xác định là chị Lã Thị T (SN 1985, trú tại thôn Duyên Hải, xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Phải 3 ngày sau, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể chị T và cháu Vũ Anh T (4 tuổi).
Lối thoát nào cho người phụ nữ trẻ gặp bế tắc?
Việc những phụ nữ tự tử cùng con, theo Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Vân – Phó trưởng khoa Tâm lý, trường Đại học sư phạm Huế có nhiều nguyên nhân. Có thể do những phụ nữ đó rơi vào hoàn cảnh bế tắc, cho rằng mình không còn lối thoát nên chọn cách chết để giải quyết vấn đề.
TS Hồng Vân phân tích cụ thể, những phụ nữ trên phải suy nghĩ nhiều vấn đề khác nhau, cuộc sống của họ vì thế có thể gặp nhiều đau khổ. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, trong thời gian dài đến khi họ cảm giác không chịu nổi nữa. Có thể người phụ nữ bế tắc nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ người thân, gia đình. Họ chọn cách giấu nỗi đau trong lòng. Và xét về khía cạnh tâm lý khi càng suy nghĩ thì họ có xu hướng càng trầm trọng vấn đề, suy nghĩ tiêu cực. Đến khi không nghĩ được cách giải quyết thì người phụ nữ chọn giải pháp tự kết thúc cuộc sống.
Còn đi sâu vào từng trường hợp cụ thể, theo chuyên gia tâm lý Hồng Vân, tùy vào hoàn cảnh mỗi người lại có nguyên nhân khác nhau. Ví dụ có trường hợp mẹ chở con trai trên xe ô tô sau đó lao xuống sông tự tử do chồng ngoại tình. Người mẹ quan niệm đứa con rất quan trọng với gia đình chồng, cô chọn cách tự tử cùng con để dằn vặt chồng.
Vậy lối thoát nào cho những người phụ nữ trẻ bế tắc trong chuyện gia đình?. Theo TS Hồng Vân, mỗi địa phương cần có sự gắn kết những hội, đoàn thể với các thành viên để khi người phụ nữ cần sự hỗ trợ thì có thể tìm đến, chia sẻ.
“Ở đây vai trò của những tổ chức phụ nữ đóng vai trò quan trọng để giúp các thành viên biết rằng khi họ gặp khó khăn, bế tắc cần tìm đến ai để được hỗ trợ. Những người có chuyên môn sẽ giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn”, TS Hồng Vân nói.
Bên cạnh đó, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, luôn là chỗ dựa vững chắc cho người phụ nữ trong mọi tình huống. Tuy nhiên, nguồn gốc vấn đề, theo TS Hồng Vân là người phụ nữ cần được trang bị kĩ năng ứng phó với khó khăn trong cuộc sống. Điều này có được một phần ở các lớp học kĩ năng mềm trong cuộc sống, kĩ năng quản lý cảm xúc... Các tổ chức bảo vệ phụ nữ nên mở những dịch vụ tư vấn hỗ trợ cũng như lớp kĩ năng để những người mẹ cân bằng cảm xúc và được hỗ trợ về tâm lý.
T.Ninh