Luật Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Thủ đô và cả nước

14/03/2024 09:10

Kinhte&Xahoi Sáng 14-3, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày, cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ xem xét giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trước khi xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, gồm dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). “Tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã tích cực và sớm hơn so với các kỳ họp trước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có sự tham gia đông đảo của các bộ, ngành trung ương; sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo kết luận về vấn đề này. “So với dự thảo Luật trình trước đây, cho đến nay dự thảo Luật đã được hoàn thiện thêm một bước, tiếp thu tối đa các ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định, đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với Thủ đô mà còn đối với cả nước khi Thủ đô Hà Nội với vai trò, vị trí trái tim, đầu tầu phát triển của cả nước.

Quang cảnh phiên họp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ dành 1 ngày (ngày 18-3) trong phiên họp thứ 31 để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực tài chính và ngoại giao.

Phiên họp cũng xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 2-2024; xem xét, quyết định thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang; xem xét công tác nhân sự.

Với trọng tâm xây dựng pháp luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong tháng 3-2024 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức phiên họp chuyên đề về pháp luật.

Ngay sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Mai Hữu - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhóm đối tượng nào được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT?

Nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng như người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc bệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/luat-thu-do-co-y-nghia-dac-biet-quan-trong-voi-thu-do-va-ca-nuoc-660686.html