Ô nhiễm ở điểm cuối sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ.
12 năm vẫn chỉ thực hiện… những bước ban đầu
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động ở LVS Nhuệ - sông Đáy, ngày 29/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 57/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 9/11/2020 về giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm của sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để thực hiện những bước ban đầu và “Đương nhiên, bài toán quan trọng nhất hiện nay chính là kiểm soát nước thải sinh hoạt”
Báo cáo kết quả thực hiện đề án BVMT LVS Nhuệ - Đáy giai đoạn 2008 -2020, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, thời gian qua, các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung của thành phố, ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được vận hành thường xuyên, có hiệu quả, đáp ứng được khoảng 28,8% nhu cầu XLNT. Nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị đa phần đã được xử lý tại các trạm XLNT phân tán.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực triển khai các dự án làm sạch, thu gom, nạo vét Sông Nhuệ, Sông Đáy; xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước; tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên nước, xử lý 5.530 cơ sở sản xuất, kinh doanh , dịch vụ… vi phạm
Tuy nhiên, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy là việc làm khó do liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều bộ, ngành và nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí còn hạn hẹp và thiếu nguồn nhân lực về BVMT. Ngoài ra, hiện nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý vẫn xả thẳng vào sông Tô Lịch.
Ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm…
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2018 kinh phí dành cho các dự án cải tạo LVS Nhuệ - Đáy là hơn 38.000 tỷ đồng, tập trung vào việc xử lý rác thải, nâng cấp, gia cố tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông, đầu tư các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước chống ngập úng và kết hợp sản xuất nông nghiệp; chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; xử lý chất thải bệnh viện; quản lý và xử lý chất thải rắn; trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ…
Tuy nhiên, đến nay một số dự án đi vào hoạt động không hiệu quả. Một số dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử như TP Hà Nội, công tác XLNT, ô nhiễm môi trường tại 70 cụm công nghiệp và hơn 1.300 làng nghề trên địa bàn còn không ít bất cập. Đơn cử, huyện Thạch Thất có bảy cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có 2 cụm công nghiệp (Phùng Xá và Bình Phú) có hệ thống XLNT. Đã vậy, hệ thống XLNT tại Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá hiện đã lạc hậu, hạ tầng xuống cấp nên mới chỉ xử lý được nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất.
Lam Hạnh - Pháp luật Plus