Mạng xã hội không phải là nơi vận động bầu cử

12/05/2021 10:42

Kinhte&Xahoi Người ứng cử cần biết về quy định vận động bầu cử qua phương tiện truyền thông đại chúng để vận động sao cho đúng cách để có một kỳ bầu cử dân chủ, công bằng.

Cử tri huyện Chương Mỹ phát biểu tại buổi tiếp xúc với các đại biểu sáng 11/5. Ảnh: Phạm Hùng

Sớm truyền tải chương trình hành động đến cử tri

Trong thời đại công nghệ thông tin, việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông mạng xã hội để vận động tranh cử là xu thế tất yếu trong các cuộc bầu cử hiện nay. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định về hoạt động vận động bầu cử mà mỗi đại biểu (ĐB) Quốc hội và ĐB HĐND các cấp cần biết để giúp vận động phiếu bầu của cử tri đúng cách.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND hiện hành quy định về phương thức vận động bầu cử qua phương tiện truyền thông với phạm vi khá hẹp. Cụ thể, Điều 67 Luật này quy định về vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, người ứng cử ĐB Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐB Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐB Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Người ứng cử ĐB HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐB HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử (nếu có). Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử. UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử ĐB Quốc hội, ứng cử ĐB HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Quy định bó hẹp

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, căn cứ quy định trên, việc vận động bầu cử qua phương tiện truyền thông chỉ là hoạt động trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nơi ứng viên tham gia ứng cử và trả lời phỏng vấn trên trang thông tin điện tử của cuộc bầu cử mà thôi. Nhiều người nghĩ rằng cho phép vận động bầu cử qua phương tiện truyền thông là ứng viên được lên báo, lên truyền hình và lên mạng xã hội nói về chương trình hành động của mình một cách tự do nhưng thật ra không phải. Như quy định trên, hoạt động này bó hẹp hơn rất nhiều. Nếu ứng cử viên lên các trang mạng xã hội như Facebook hay YouTube để vận động cử tri bầu cho mình thì không được tính là vận động bầu cử và chỉ là hoạt động mang tính cá nhân của ứng viên đó, không liên quan đến cuộc bầu cử.

Ứng cử viên muốn vận động bầu cử qua phương tiện truyền thông phải đến đài truyền hình, đài phát thanh, các cơ quan báo chí của địa phương nơi mình tham gia ứng cử để thực hiện trả lời phỏng vấn nói về chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Ứng cử viên có Facebook cá nhân nhiều lượt like, lượt theo dõi và nhiều người biết đến thì việc kêu gọi mọi người bầu cử qua Facebook cũng không được gọi là vận động bầu cử. Người ứng cử cũng không thể bỏ tiền ra để thuê các cơ quan báo chí viết bài ủng hộ mình. Làm như thế là thiếu công bằng cho các ứng cử viên khác.

 Hồng Thái - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Hiện nay, công tác ghi và nộp phiếu đăng ký dự tuyển (ĐKDT) vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 đang được các nhà trường khẩn trương triển khai đến từng học sinh (HS), giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh của khối 9 để việc ghi phiếu đúng, đủ nội dung, tránh nhầm lẫn, đảm bảo quyền lợi của HS.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/mang-xa-hoi-khong-phai-la-noi-van-dong-bau-cu-418969.html