Mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều thẩm mỹ viện bị phạt, buộc đổi tên

18/03/2021 09:59

Kinhte&Xahoi Sau hai lần sửa mắt tại một thẩm mỹ viện “ mạo danh” thương hiệu bệnh viện Chợ Rẫy, mắt khách hàng bị bên cao bên thấp, nhiều thẩm mỹ viện”rởm” bị xử phạt.

Khách hàng tố Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy ”rởm” làm hỏng mắt

Thông qua mạng xã hội Facebook bà N.A.L (SN 1971, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho rằng “thấy tên Chợ Rẫy cứ nghĩ là cơ sở của một bệnh viện lớn nên tin tưởng và đặt niềm tin vào đây” vào tháng 5/2020, bà L tìm đến “Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy - cơ sở Cần Thơ” (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để được tư vấn sửa mắt.

Tại đây nhân viên tư vấn cho bà nên làm ở mức 6 triệu đồng sẽ đẹp hơn thay vì giá 4 triệu đồng như quảng cáo trước đó. Cuối cùng nghe lời nhân viên tư vấn bà L được một bác sĩ tuổi ngoài 30 tuổi tại đây làm dịch vụ” treo chân mày và cắt mi dưới 2 mắt lấy mỡ thừa” lên đến 12 triệu đồng, với lời hứa hẹn nếu cắt không đẹp sẽ hoàn tiền.

Sau 3 tháng quay trở lại tái khám, bác sĩ nhận định mắt bà bị bên cao, bên thấp và đề nghị bà cắt lại lần hai trong tình thế bắt buộc nhưng vẫn bên cao bên thấp, nghiêm trọng hơn, sau lần cắt thứ hai mắt bà thường bị mỏi, mờ, thỉnh thoảng bị giựt và nhức đầu.

Tấm thẻ trị giá 12 triệu đồng tại thẩm mỹ viện Chợ Rẫy làm hỏng mắt bà L - Ảnh: Nguyên Việt

Bức xúc, bà L đến thẩm mỹ viện khiếu nại thì được bác sĩ trẻ lần trước hướng dẫn cắt lần 3 và hứa hẹn cắt chừng nào đẹp mới thôi. Do lo sợ bà L đã yêu cầu cơ sở này trả lại số tiền 12 triệu đồng để đi nơi khác khắc phục hậu quả, tuy nhiên phía cơ sở không đồng ý mà nói “cắt chừng nào đạt thì thôi chứ không trả tiền”.

Đơn khởi kiện của bà L. - Ảnh: Nguyên Việt

Cuối năm 2020, bà đến thẩm mỹ viện lần nữa để thỏa thuận yêu cầu bồi thường số tiền 42 triệu đồng cho những tổn thất của mình nhưng thẩm mỹ viện chỉ đồng ý trả 17 triệu đồng, bà L không đồng ý. Sau khi trở về nhà gia đình khuyên bà L chấp nhận xui rủi đồng ý nhận bồi thường 17 triệu đồng, khi liên hệ với thẩm mỹ viện bà nhận được câu trả lời “Đòi đi thưa mà, sao không đi thưa đi?”. Do quá bức xúc trước hành động của thẩm mỹ viện  bà L đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân quận Cái Răng, trước đó khoảng 2 tháng bà đã gửi đơn đến Sở Y tế Cần Thơ tuy nhiên bà L không nhận được hồi đáp nào từ Sở Y tế.

Hàng loạt thẩm mỹ viện mạo danh Bệnh Viện Chợ Rẫy bị xử phạt

Theo Tiền Phong đưa tin, PV liên hệ qua điện thoại với thẩm mỹ viện này. Nhân viên trực điện thoại sau một hồi giới thiệu đã khẳng định, thẩm mỹ viện này là cơ sở làm đẹp của Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP HCM. Đồng thời tư vấn với nhiều loại hình thẩm mỹ như: nâng mũi, cắt mí, phun môi… với mức ưu đãi.

Ông Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) khẳng định, Bệnh viện Chợ Rẫy không hợp tác mở chi nhánh, phòng khám, cơ sở thẩm mỹ nào bên ngoài bệnh viện.

Cùng ngày 15/3, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, Thẩm mỹ viện Chợ Rẫy (cơ sở Cần Thơ) không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mà hoạt động “chui”. Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở thẩm mỹ này số tiền 90 triệu đồng về hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép. Chủ cơ sở đã ký vào biên bản xử phạt, nhưng đến nay vẫn chưa chấp hành nộp phạt.

Theo Dân Trí thông tin, cuối năm 2019 Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được phản ánh của bệnh nhân về việc một cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động thu với giá dịch vụ đắt đỏ có tên “Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn” ( 729 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình , TP HCM), thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy, thành lập và cấp giấy phép hoạt động ngày 24/9/2019 do ông Ngô Gia Long là người đại diện pháp luật.

Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy (792 Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình).

Bệnh viện khẳng định, Chợ Rẫy không tổ chức thành lập bất kỳ phòng khám, cơ sở y tế nào có tên “Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy, đồng thời bệnh viện đã gửi công văn tới Sở Y tế TP HCM và Phòng Y tế quận Tân Bình phản ánh việc cơ sở y tế tư nhân lợi dụng tên riêng của bệnh viện Chợ Rẫy để hoạt động.

Cơ sở thẩm mỹ "ăn cắp" thương hiệu Chợ Rẫy chưa được cấp phép.

Tại thời điểm kiểm tra ngày 11/11/2019 chưa ghi nhận cơ sở có hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trên website của cơ sở có quảng cáo các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở đã lập biên bản, tổng hợp các hành vi vi phạm xử phạt 35 triệu đồng về việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định đối với Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Theo Sức Khỏe 24H, Sở Y tế TP HCM đang quản lý người có tên là Phùng Mạnh Cường được Sở Y tế Đồng Nai cấp chứng chỉ hành nghề số 004322/ĐNAI-CCHN vào ngày 21/10/2013.

Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy công khai quảng cáo nhân sự trên trang mạng xã hội.

Hiện bác sĩ Cường đang là nhân sự tại Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Nha khoa GangWhoo - Chi nhánh Công ty TNHH Phùng Quang Diệu (57 đường 3/2, phường 11, quận 10, TP Hồ Chí Minh) và Phòng khám chuyên khoa Ngoại (44A Nguyễn Văn Đậu, Phường 6, Quận Bình Thạnh, TP HCM).

Như vậy, chỉ có 1 bác sĩ Cường, được cấp chứng chỉ năm 2013 (tức kinh nghiệm hành nghề mới 7 năm) và không làm cho thẩm mỹ viện Chợ Rẫy.

Người có tên là Nguyễn Văn Thuận, chuyên môn "phẫu thuật thẩm mỹ" được Sở Y tế TP HCM cấp chứng chỉ hành nghề số 006902/HCM-CCHN 25/01/2017.

Hiện bác sĩ Thuận đang công tác tại: Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Exson (722 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10); Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ EMCAS (291 (cổng số 3, hẻm 285) Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10), Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc Kim Hospital (31 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) và Tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại tỉnh Đồng Nai.

Bác sĩ Thuận mới được cấp chứng chỉ 3 năm và cũng không tham gia làm việc cho Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy.

Những bác sĩ này đang làm tại phòng khám Gangwhoo, Gang Nam hay Chợ Rẫy?

Chúng tôi cũng không tìm thấy thông tin về giấy phép hành nghề, chuyên môn, nơi công tác... của các ông: Park Sung Yong, Choi Seung Ho và Trịnh Văn Minh.

Tuy nhiên, người có tên là bác sĩ Park Sung Yong, Choi Seung Ho và Trịnh Văn Minh lại được Thẩm mỹ viện Gang Nam (F222, Võ Thị Sáu - TP. Biên Hòa - Đồng Nai) và thẩm mỹ viện GANGWHOO (57 đường 3/2, phường 11 quận 10, TP HCM) giới thiệu là bác sĩ của đơn vị mình.

Ngày 10/3/2020 lực lượng Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất cơ sở “ Viện Thẩm Mỹ Chợ Rẫy ” tại địa chỉ nêu trên. Qua kiểm tra ghi nhận, Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy chưa được cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ. Vì thế cơ sở này chưa được thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như: Cắt mí mắt, nâng mũi, thu nhỏ cánh mũi, căng da mặt nội soi, cấy mỡ nhân tạo, cấy mỡ tự thân, nâng gò má, nâng cung mày, cắt mỡ da thừa…

Theo Người Lao Động, mới đây Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi đơn đến Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM và một số cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp do xuất hiện fanpage, facebook đã giả mạo, sử dụng thương hiệu, uy tín bệnh viện này để đánh lừa người dân.

Các fanpage mạo danh thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy đang quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Đồng thời gửi Sở Kế Hoạch và Đầu tư TP HCM phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, canh tranh không lành mạnh đối với Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy do ông Ngô Gia Long là người đại diện pháp luật của hai công ty hoạt động về thẩm mỹ ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ và quận Tân Bình , TP HCM phải thay đổi tên doanh nghiệp thành Công ty TNHH Viện Thẩm mỹ CRLONG. Ngoài ra Bệnh viện Chợ Rẫy nghiêm cấm cán bộ, công nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng sử dụng thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy đi làm ăn, hợp tác bên ngoài.

Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:

1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.

2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

 Xuân Thành - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine'

Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương vào sáng nay - 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/mao-danh-benh-vien-cho-ray-nhieu-tham-my-vien-bi-phat-buoc-doi-ten-d151066.html