Mắt biển

20/12/2019 15:15

Kinhte&Xahoi Ngư dân với ánh mắt biển của mình đã góp phần không nhỏ trong đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Họ thật sự là những cột mốc sống trên biển.

Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với vùng lãnh hải rộng khoảng 52.000 km2 và là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước. Với lợi thế và tiềm năng phát triển, năng lực khai thác hải sản tiếp tục tăng cao theo hướng đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 tàu cá với tổng công suất hơn 1 triệu CV, trong đó tàu có công suất trên 90 CV khoảng 3.000 chiếc. Toàn tỉnh hiện có hơn 67.000 người làm việc trong các lĩnh vực khai thác, chế biến và dịch vụ thủy sản.

Hiện nay, Tỉnh ủy Bình Thuận và Cảnh sát biển Việt Nam cùng phối hợp thực hiện các nội dung trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến, giáo dục pháp luật (Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982…) để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài; động viên ngư dân kịp thời thông tin cho Cảnh sát biển những vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; hỗ trợ ngư dân phát triển bền vững kinh tế biển; là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong đó, công tác biển đảo phối hợp với ngư dân, những người được mệnh danh là “mắt biển”,  là một yếu tố hết sức quan trọng.

Theo Cảnh sát biển Việt Nam, qua 2 năm thực hiện, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, cách làm có hiệu quả, đã được cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo hưởng ứng và ủng hộ cao. Chương trình đã từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân, ngư dân ở các xã, huyện đảo về tình hình biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của mỗi ngư dân khi hoạt động trên biển.

Cổ nhân có nói đại dương có hải nhãn, tức là mắt biển. Nhưng tại vùng biển đảo Việt Nam, hải nhãn còn là nói đến ánh mắt của ngư dân trong việc vươn khơi bám biển, sát cánh cùng quân đội và các lực lượng chấp pháp tạo thành một thế trận vững vàng trên biển bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo quê hương.

Những thông tin về an ninh biển đảo liên tục được phát đi từ những chiếc tàu cá, lúc thì thông báo có tai nạn trên biển, lúc thì tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép. Không chỉ phát giác tàu nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp, ánh mắt của ngư dân còn giúp các lực lượng chấp pháp trên biển dõi theo các hoạt động phi pháp khác.

Anh Tăng Nhất Trí - Cán bộ kiểm ngư tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Bởi vì các lực lượng chức năng không thể bao quát hết tất cả các phạm vi mà mình quản lý được, thành ra phải nhờ đến các lực lượng ngư dân.”

Ngư dân với ánh mắt biển của mình đã góp phần không nhỏ trong đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Họthật sự là những cột mốc sống trên biển.

Đối với ngư dân đánh bắt hải sản trên biển thì việc đối mặt với sóng to, gió lớn là chuyện thường ngày. Thời tiết bất lợi không chỉ gây khó khăn cho việc đánh bắt hải sản mà còn đe dọa đến tính mạng, nhất là khi có gió bão. Những ngày cuối năm khu vực phía Nam bịảnh hưởng bởi gió chướng nên việc ra khơi đánh bắt hải sản gặp rất nhiều khó khăn và hay xảy ra sự cố chìm tàu.

Điển hình như là cách đây ít ngày, tàu cá mang số hiệu QNA 91928 TS cùng với 44 ngư dân khi đang trên đường vào quần đảo Bãi Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa để tránh trú bão thì bị chìm, 41 người may măn thoát chết, 3 người bị mất tích. Trước đó cũng nhiều vụ tàu cá bị chìm trên biển do thời tiết hoặc va chạm đã được lực lượng chức năng cứu nạn kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió còn rất rất nhiều những mất mát mà có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết hết. Chỉ tính con số thống kê năm 2019 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hàng hải Khu vực 3, riêng khu vực vùng biển phía Nam từ tháng 1 cho đến nay thì số người được cứu và hỗ trợ là 462 người (trong đó có 417 người Việt), số người thiệt mạng và mất tích là 79 người (trong đó có 77 người Việt), số tàu chìm và mất tích là 33 tàu (trong đó tàu cá là 29 tàu và tàu biển là 4 tàu). Đây là những mất mát hết sức to lớn về con người và cả về tài sản. Nghề đi biển vốn chịu nhiều rủi ro nhưng dù thế nào với ngư dân thì thuyền vẫn là nhà, và biển cả là quê hương.

Ngư dân có câu rằng “Biển sâu nhưng tình người còn sâu nặng hơn biển”. Bạn đọc hẳn còn nhớ câu chuyện mới đây khiến cộng đồng mạng xúc động mạnh mẽ về hai cha con ngư phủở Bình Thuận khi bị tàu lạ đâm chìm tại cảng Cồn Chà, thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận.

Ông Ngô Nhàn- Ngư dân tỉnh Bình Thuận kể lại:“Tôi vẫn nhớ như in cái ngày giông tốấy, ngày mà cha con tôi đã phải gắng gượng đến cùng để giành giật lại sự sống, ngày 05/05/2019.

Ông Nhàn cho biết, hai cha con ông đi câu mực bị một con tàu khác lao vào và nhấn chìm chiếc ghe. Sau cú đâm, ông Nhàn bị chấn thương nhưng vẫn cố tìm một miếng xốp nổi trên biển để tìm con trai. Khi hai cha con gặp lại và ôm lấy nhau cũng là lúc cả hai gần như kiệt sức vì mất máu. Hai cha con động viên nhau ôm miếng xốp cầu nguyện có tàu phát hiện cứu giúp. Gần nửa giờ sau, Vũ, con trai ông, nói với cha sẽ buông tay vì đã quá đuối sức và dặn cha cố gắng sống sót về với mẹ, với nội.

Trong lúc sinh tử đó, ông Nhàn đã không khóc, ôm chặt con trai rồi dặn con quàng hai tay qua cổ mình nói: “Có chết cũng không bao giờ được buông cổ ba”.

Câu nói của ông Nhàn tiếp thêm sức mạnh cho Vũ. Cậu bé 16 tuổi ghĩ mình sẽ chết vì kiệt sức quá nhưng thương mẹ, thương bà nội và đặc biệt là câu nói của cha đã khiến Vũ tự nhủ mình phải sống. May mắn thay thêm gần một tiếng nữa thì tàu Haian Bell xuất hiện và phát hiện hai cha con. Thuyền trưởng Đỗ Anh Tuấn đã lệnh cho con tàu giảm tốc kịp thời cứu sống hai cha con. Tàu Haian Bell Hải Phòng đang trên đường từ cảng Sài Gòn đi Đà Nẵng, vô tình nhìn thấy và cứu trợ. Hai cha con ông Nhàn sau đó được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Hiện sức khỏe ông Nhàn và Vũ đã ổn định.

Câu chuyện “cứ tưởng chỉ có trong phim” của cha con ông Nhàn khiến cộng đồng cảm động vì nghĩa tình cha con và tình thương giữa người với người. Nhiều người cảm kích và tuyên dương hành động của thuyền trưởng tàu Haian Bell, của tài công tốt bụng đưa cha con ông Nhàn vào đất liền.

Hơn thế nữa, tình nghĩa cha con thiêng liêng không thể mất đi giữa ông Nhàn và con trai càng tác động mạnh vào trái tim của những người đang làm con. Đến lúc thập tử nhất sinh, tình thân là cái gì đó khiến con người cố gắng thêm trăm ngàn lần.

Thêm một lần nữa chúng ta lại nhìn thấy tình cảm và ý chí của người dân biển. Chiếc tàu của cha con ông Nhàn giờ đã không còn, thế nhưng có một điều chắc chắn rằng ý chí vươn khơi bám biển vẫn còn thôi thúc. Mong rằng đây cũng chính là ngọn lửa để bộ đội và các lực lượng chấp pháp trên biển cùng với ngư dân sẽ găn bó mật thiết hơn bởi ngư dân cũng sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu.

Không chỉ bộ đàm, ngư dân còn sử dụng cả điện thoại để cung cấp cả hình ảnh. Điều này đã giúp cho các lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, xua đuổi tàu xâm phạm.

Trung tá Phạm Ngọc Hòa - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Hải, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Biên phòng thường xuyên gặp gỡ sinh hoạt với các chủ phương tiện, các tổ nhóm hướng dẫn cho ngư dân nắm chắc tình hình trên biển và kịp thời. Nếu có vụ việc gì xảy ra kịp thời báo cáo với lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý.”

57 tổ thuyền đoàn kết, cùng với 500 phương tiện đánh bắt xa bờ đã được biên phòng Bình Thuận triển khai. Mô hình này đang phát huy hiệu quả giúp ngư dân thêm vững tin vươn khơi bám biển.

Ông Lô Văn Quyến (Ngư dân tỉnh Bình Thuận) kiên quyết nói: “Công việc mình thì mình vẫn làm, chứ hổng lẽ biển của mình ở đây mà mình bỏ. Mắc mớ gì mà không đi.” 

Theo Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó (Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3): “Ngư dân cũng là người cung cấp tin chính xác nhất cho các lực lượng. Đây là một mắc xích rất quan trọng để mà nắm tình hình trên biển để mà có phương án, có kế hoạch bảo vệ chủ quyền.”

Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió dẫu có muôn vàn gian khổ, có khi phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Nhưng những ánh mắt của ngư dân vẫn luôn ánh lên niềm tự hào khi biết mình đóng góp một phần công sức lớn lao vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Với mong muốn mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được nâng lên thành Chương trình công tác dân vận sẽ nhận được sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh, thành ủy để huy động được sức mạnh tổng hợp của các sở, ban, ngành, các lực lượng, của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng vào cuộc với Cảnh sát biển để thực hiện. Qua đó, nhằm duy trì để hoạt động này được tiến hành thường xuyên, lâu dài và có hiệu quả, góp phần xây dựng các xã và huyện đảo ngày càng vững mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh khẳng định, với các nội dung phối hợp nêu trong chương trình và bằng các hoạt động cụ thể sẽ tích cực hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ các xã vùng bãi ngang ven biển phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và lực lượng Cảnh sát biển trong xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn biển đảo của tổ quốc.

Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh chủ động tham mưu và thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ được giao với yêu cầu xây dựng và triển khai các chương trình phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/mat-bien-d113539.html