Nhóm nghiên cứu thuộc khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Điện lực đã nghiên cứu thành công máy trợ thở
Chia sẻ với báo chí, TS Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cho biết: "Sau một thời gian gấp rút cùng các chuyên gia y tế làm việc miệt mài, nhóm nghiên cứu khoa Điện tử viễn thông và Trung tâm Nghiên cứu phát triển, trường Đại học Điện lực đã cho ra đời phiên bản đầu tiên của máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh khác cần hỗ trợ".
Máy trợ thở do trường Đại học Điện lực nghiên cứu thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ
Theo đó, máy được chế tạo dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Các thiết kế được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay.
Máy trợ thở “made in Điện lực” thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ.
Phiên bản đầu tiên này đang được gửi lấy ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thiện và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ người dân trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập. Máy có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỷ số inhale/exhale... Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết, chẳng hạn như cảnh báo áp suất...
Máy có thiết kế phù hợp với tình hình Việt Nam và bệnh dịch và đặc biệt rất hữu ích trong các trường hợp như các bệnh nhân chưa cần phải dùng đến máy thở xâm nhập hoặc phải dành máy thở xâm nhập cho những bệnh nhân nặng hơn.
Nhóm nghiên cứu thuộc khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Điện lực đã nghiên cứu thành công máy trợ thở
Hiện nay, máy có thiết kế gồm 2 phiên, tùy thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện để thực hiện. Phiên bản đầy đủ nhỏ gọn, nhiều tính năng hơn nhưng phụ thuộc vào nguồn vật tư linh kiện không có sẵn ở thị trường Việt Nam.
Với phiên bản rút gọn, thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng rất lớn, gần như không hạn chế số lượng trong thời gian ngắn với giá thành rẻ, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 1.000 - 2.000 chiếc/mỗi tuần với giá thành khoảng 2 - 3 triệu đồng/chiếc.
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, trong giai đoạn hết sức khó khăn này, trường Đại học Điện lực còn có thêm nhiều việc làm khác hỗ trợ sinh viên. Cụ thể, nhà trường hỗ trợ chi phí học trực tuyến cho sinh viên cao đẳng, đại học hệ chính quy trong đại dịch Covid-19. Sinh viên đã đăng ký học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 mức hỗ trợ 500.000 đồng/sinh viên.
Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức đoàn thể, nhà trường sẽ phát động các sáng kiến và phong trào thi đua nhằm đa dạng hóa các hoạt động, nâng cao chất lượng dạy và học, huy động nhiều hình thức hỗ trợ sinh viên hơn nữa để các em yên tâm học tập.