Mèo Cosmetics: Mỹ phẩm nhập lậu gắn mác hàng xách tay?

02/08/2019 15:54

Kinhte&Xahoi Mỹ phẩm nhập ngoại từ lâu vẫn được coi là sự lựa chọn hàng đầu của phần đông phụ nữ yêu thích làm đẹp. Những sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Pháp luôn có sức hút cực kì lớn. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều cửa hàng mỹ phẩm đã nhanh chóng mọc lên với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn: Mỹ phẩm xách tay, mỹ phẩm cao cấp... Thế nhưng đằng sau những lời quảng cáo "bắt tai" kia, không ai biết nguồn gốc thực sự của những sản phẩm được chào mời với những tên gọi mỹ miều ấy đến từ đâu.

Trong vai một người cần mua sản phẩm trị mụn, PV đã có cơ hội “mục sở thị” một cửa hàng mỹ phẩm khá nổi tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sản phẩm chi chít những dòng chữ nước ngoài, không tem nhãn, không phụ đề tiếng Việt.

Tại chi nhánh của Mèo Cosmetics (số 63, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), các mặt hàng mỹ phẩm tại đây được bày bán đa dạng cả về chủng loại, mẫu mã. Từ kem chống nắng, mặt nạ dưỡng da, sản phẩm trị mụn,… tất cả đều được người bán giới thiệu là hàng có nguồn gốc từ nước ngoài (Hàn Quốc, Pháp,..) hay còn được gọi với cái tên là hàng xách tay. Giá cả của những mặt hàng này cũng rất “phải chăng”, chỉ từ vài trăm nghìn đồng là khách hàng đã có thể sở hữu một sản phẩm “ngoại” với chất lượng cực tốt.

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này, người bán cho biết: Đây là hàng xách tay có xuất xứ từ Pháp nên không không có phụ đề Tiếng Việt, chỉ có những sản phẩm được nhập trực tiếp từ Murad Việt Nam thì mới có dán tem tiếng Việt, tuy nhiên những sản phẩm này thì lại có giá cao hơn rất nhiều”.

Trực tiếp cầm trên tay một sản phẩm mà theo lời giới thiệu của người bán là kem chống nắng La Roche-Posay có xuất xứ từ một thương hiệu nổi tiếng tại Pháp, PV quan sát thấy trên bao bì có nhiều dòng chữ nước ngoài, không hề có bất kì một thông tin nào bảo đảm đây là sản phẩm chính hãng như lời người bán khẳng định trước đó. Những thông tin như tem phụ đề tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu hay cơ quan công bố chứng minh sản phẩm đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đều không thấy xuất hiện. Ngay cả việc muốn tìm hiểu thông tin, cách dùng sản phẩm đều phải hỏi nhân viên bán hàng, khách hàng chỉ có thể nghe theo lời tư vấn của người bán mới được biết về công dụng.

Một sản phẩm không rõ nguồn gốc tại Mèo Cosmetics.

Ngoài ra, PV cũng phát hiện trên kệ trưng bày tại cửa hàng có một số sản phẩm dạng hũ không có tem mác, bao bì. Người bán cho biết những sản phẩm đó được chính cửa hàng chiết ra từ các hũ lớn, bên trong là bột của mặt nạ dưỡng da.

Một hũ mặt nạ được chính cửa hàng sang chiết.

Bằng một cách nào đó, những mặt hàng vẫn chưa rõ nguồn gốc xuất xứ kia vẫn được quảng cáo rầm rộ, lưu hành và bày bán công khai. Fanpage được cho là của Mèo Cosmetics trên Facebook thu hút hơn 300.000 lượt theo dõi, mỗi bài đăng đều được thiết kế bắt mắt người xem bằng những hình ảnh, đoạn giới thiệu sản phẩm và khẳng định đây là hàng chính hãng, có xuất xứ từ nước ngoài.

Chỉ bằng những lời tư vấn, chào mời, giới thiệu của nhân viên, khách hàng có thực sự an tâm về những mặt hàng xách tay như lời quảng cáo. Đâu mới là nguồn gốc thực sự của những sản phẩm chưa được cấp phép lưu thông tại một loạt những cửa hàng của Mèo Cosmetics? Có hay không việc chuỗi cửa hàng Mèo Cosmetics xuất hiện dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, trốn thuế, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đủ điều kiện lưu hành ngoài thị trường mà vẫn không hề bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý?

Tại khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng nhập lậu bao gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Lợi dụng tâm lý “sính ngoại”, một số tiểu thương đã bất chấp quy định của pháp luật và sức khỏe khách hàng để kinh doanh những mặt hàng mỹ phẩm trôi nổi, xách tay không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường nhằm mục đích kiếm lời bất chính.


Theo quy định tại Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP: Những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức giá trị hàng hóa từ dưới 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính bằng các biện pháp: Cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức xử lý bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
 

Nguyễn Duy

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng: Việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển

Cho rằng có tâm lý sợ rủi ro của người ra quyết định phê duyệt, Thủ tướng chỉ rõ cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ khi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chờ đợi, trong khi người có quyền quyết định không dám ký. Tình trạng này đang làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế. Những sai phạm trong quá khứ cần tiếp tục được xử lý quyết liệt nhưng việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển.

Nguồn: HATAP