Mỗi gia đình là một "pháo đài" chống dịch

03/04/2020 11:54

Kinhte&Xahoi Ngày 2-4 là ngày thứ hai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc cách ly xã hội trong vòng 15 ngày để phòng, chống đại dịch Covid-19. Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, người dân trên toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện khá nghiêm túc. Từ các tuyến phố, đến đường làng, ngõ xóm đều thưa vắng người qua lại, khẩu hiệu “mỗi gia đình là một pháo đài” phòng dịch Covid-19 đã biến thành hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà.

Các hộ kinh doanh trên đường Tố Hữu (địa bàn quận Hà Đông) chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động kinh doanh. Ảnh: Linh Ngọc

Từ thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội...

Sáng 2-4, Hà Nội có mưa nhỏ và trời rét hơn nên nhịp sống của các gia đình như chậm lại. Chị Khuất Thị Hướng (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) cho biết: “Buổi sáng cả gia đình nấu ăn sáng tại nhà. Các cháu nhỏ cũng quen với lịch học trực tuyến, học qua truyền hình và khi rảnh đem truyện ra đọc”.

Trong khi đó, Canh Nậu (huyện Thạch Thất) là xã có làng nghề sản xuất đồ gỗ, nên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xã vận động hơn 300 cửa hàng, hộ dân sản xuất đồ gỗ và 10 cửa hàng ăn uống tạm ngừng kinh doanh. Ông Nguyễn Trung Chi, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu cho biết, 100% người dân trên địa bàn xã đều chấp hành việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường và khi đến giao dịch công việc tại xã.

Trước đây, anh Lê Văn Kính và hàng xóm trong khu chung cư CT21A-2 (phường Giang Biên, quận Long Biên) có thói quen cùng nhau uống nước chè trò chuyện hằng ngày và đi bộ tập thể dục. Tuy nhiên, từ ngày 1-4, anh và hàng xóm thống nhất sẽ ai ở nhà nấy theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. “Cũng bứt rứt lắm, nhưng tất cả vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng là quan trọng nhất trong lúc này”, anh Kính chia sẻ… Anh Đỗ Xuân Chiến, hàng xóm của anh Kính nói thêm: “Ở nhà là dịp để bố mẹ gần gũi các con. Chúng tôi cùng các con học làm bánh, gọi điện về hỏi thăm ông bà, anh chị em ở quê”.

Đồng tình thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, ông Đỗ Mạnh Tuân (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cho biết: “Hôm nay, nhà tôi có giỗ, thường thì sẽ có 10 mâm cỗ, nhưng cả đại gia đình thống nhất ngăn ngừa dịch là việc đầu tiên cần làm, nên ai nấy đều ủng hộ không tổ chức cỗ…”. Còn bà Phạm Thị Vượng (thôn Liên Tân 3, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) thông tin, ngày 2-4 (ngày 10 tháng Ba âm lịch) là ngày hội làng truyền thống, nhưng xã yêu cầu dừng tất cả hoạt động lễ hội, đóng cửa đình, chùa. “Các hộ gia đình trong thôn hầu như nhà nào ở nhà đấy, không đến chơi nhà nhau hay giao lưu ăn uống”, bà Vượng nói.

...đến bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch

Để có nhận thức tích cực của người dân về cách ly xã hội, ngoài hiệu quả tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, còn có sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ cán bộ cơ sở rất nhiệt tình, trách nhiệm. Trong đó, nhiều hành động không đúng đã được nhắc nhở, phê bình kịp thời.

Từ 5h sáng 2-4, Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã rào chắn khu vực vườn hoa cạnh hồ Tây trên phố Trích Sài. Lực lượng công an cắm chốt nhắc nhở người dân không tụ tập đông người. Tại ngõ 141 Trích Sài, nơi tập trung nhiều hàng ốc và cà phê cũng đã được lập rào chắn cảnh báo.

Cùng với thực hiện nghiêm cách ly xã hội, việc bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đã được các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn Hà Nội chấp hành như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp... Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mỗi người dân, tổ dân phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Sáng, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết, tổ dân phố đã nhắn tin đến từng hộ gia đình tuân thủ việc ở nhà. Nếu có công việc cần trao đổi thì có thể sử dụng ứng dụng liên lạc trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng được yêu cầu tăng cường hàng hóa, bảo đảm người dân không phải đi xa để mua thực phẩm.

Trong khi đó, cũng như nhiều chợ khác, Ban Quản lý chợ Long Biên (quận Ba Đình) cũng nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên khẳng định, mỗi xe hàng trước khi vào chợ đều được phun thuốc khử khuẩn, Ban Quản lý nhắc nhở người dân vào chợ phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Để giữ khoảng cách 2m, chợ yêu cầu tiểu thương nhắc nhở người dân không đứng gần gian hàng và xếp hàng bảo đảm khoảng cách khi mua, bán.

Còn ở phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), Đại úy Bùi Văn Kửu, Công an phường Tân Mai thông tin, lực lượng công an phối hợp với các tổ trưởng tổ dân phố vừa tuyên truyền qua loa truyền thanh vừa kết hợp trên nhóm Zalo tới từng người dân nắm rõ và thực hiện đúng các nguyên tắc về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch... Ghi nhận tại khu vực chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chiều 2-4 cho thấy, người dân hầu như chỉ ra khỏi nhà khi đi chợ, siêu thị rồi về, không tập trung đông người.

Theo Trung tá Phạm Đức Dũng, Trưởng Công an phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), đơn vị đã bố trí lực lượng cảnh sát tại các tuyến phố chính trên địa bàn nhằm nhắc nhở khi thấy người dân tập trung từ 2 người trở lên, chưa bảo đảm khoảng cách an toàn 2m và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu mở cửa.

Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị bố trí 100% quân số làm nhiệm vụ phối hợp với Công an thành phố giám sát việc chấp hành của người dân tại 30 vị trí chốt trực ở các cửa ngõ giao thông quan trọng ra - vào thành phố. Theo đó, 60 đồng chí/ca trực chia làm 5 ca, thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ.

…Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên toàn thế giới cũng như Việt Nam, thì việc thực hiện nghiêm cách ly xã hội và bảo đảm an toàn các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng là biện pháp tối ưu để vượt qua giai đoạn có tính bước ngoặt này. Sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và cả xã hội sẽ góp phần sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chung sức tăng tốc chặn nguồn lây Covid-19

Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã triển khai rất tốt việc ngăn chặn nguồn lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng với điểm mạnh là xác định được nguồn gốc ca bệnh, hay còn gọi là “bệnh nhân số 0” (F0). Thế nhưng, với 2 ổ dịch tại quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa thể xác định được ca F0, thì việc tăng tốc chặn nguồn lây là hết sức quan trọng.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/963196/moi-gia-dinh-la-mot-phao-dai-chong-dich