Bà Nguyễn Kim Oanh ở Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi thấy không khí ngày càng ngột ngạt, nhất là những dịp trời nhiều ngày không mưa. Ra đường không đeo khẩu trang, về nhà là sụt sịt ngay”.
Kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, có nhiều nguồn làm phát sinh khói bụi tại thành phố Hà Nội nhưng chủ yếu là từ hơn 7,7 triệu phương tiện giao thông (gồm hơn 1 triệu ô tô và 6,5 triệu xe máy); ngoài ra còn có nguyên nhân do các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất, đốt sinh khối của con người... Nồng độ bụi ở thành phố Hà Nội dự báo sẽ tiếp tục tăng theo đà phát triển kinh tế và số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng lên hằng năm (khoảng 15%/năm).
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai một số giải pháp nhằm hạn chế khói bụi và đạt được những kết quả tích cực, trong đó có việc xóa bỏ thành công khói bụi từ các bếp than tổ ong. Tuy nhiên với tình hình như hiện nay, thành phố cần tăng tốc triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm khói bụi.
Nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi xe xăng sang xe sử dụng nhiên liệu sạch. Hà Nội đã xác định yêu cầu đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi hệ thống xe buýt sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Đến nay, toàn thành phố mới có 13,6% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (139 xe sử dụng khí nén CNG, 138 xe buýt điện). Với khoảng 1.600 xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel còn lăn bánh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số phương tiện này.
Quan trọng hơn là việc chuyển đổi hoặc giảm phương tiện cá nhân gồm khoảng 1 triệu xe ô tô và 6,5 triệu xe máy. Việc nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt, đầu tư phát triển hệ thống tàu điện sẽ giảm phương tiện cá nhân. Song song, thành phố cần sớm nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích người dân giảm hoặc chuyển đổi phương tiện cá nhân từ xe xăng sang xe sử dụng nhiên liệu sạch. Đó có thể là chính sách giảm mức thuế, phí liên quan nhiều hơn nữa so với mức hiện nay.
Hiện nay, có rất nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố - là nguồn phát thải bụi lớn - đòi hỏi phải đặt ra các quy định chặt chẽ hơn để giảm ô nhiễm. Ở một số quốc gia, tiêu biểu như Nhật Bản, khi phá dỡ công trình, khoan cắt bê tông sinh ra bụi luôn có công nhân cùng với máy hút bụi đi kèm nên bụi phát sinh được xử lý ngay. Đây là cách làm hay, cần được vận dụng vào các công trình xây dựng ở Hà Nội, có thể bắt đầu từ việc phát động phong trào “Công trường xây dựng xanh”.
Nhiều người dân gần đây còn phản ánh hoạt động vệ sinh môi trường tưởng như làm sạch phố phường nhưng lại cũng gây ra không ít phiền toái như các xe quét đường và cả công nhân vệ sinh dùng chổi làm bụi bay mù mịt. Cho nên, cùng với tăng tần suất rửa đường, hút bụi đường, rất cần đổi mới cách thức vệ sinh môi trường để không phát sinh thêm bụi từ hoạt động này.
Quốc Bình - Hà Nội mới