Một vị tướng nặng lòng với quê hương

14/10/2024 16:48

Kinhte&Xahoi Ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi có một ngôi trường tiểu học vinh dự mang tên một vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là một người con ưu tú của của xã - Thiếu tướng Phan Văn Đường.

Thiếu tướng Phan Văn Đường sinh ngày 15/10/1921. Ông tham gia cách mạng năm 1944, vào Đảng năm mới 23 tuổi. Cuộc đời chiến sĩ đã tạo cho Phan Văn Đường đức tính dũng cảm, tự tin. Trải qua nhiều mặt trận, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, nhiệm vụ nào ông cũng thực hiện một cách tận tâm, tận lực. Trong cuộc sống hằng ngày, Thiếu tướng Phan Văn Đường giản dị, liêm khiết, trong sáng, đó cũng là phẩm chất nổi bật của anh bộ đội cụ Hồ.

Hình ảnh Thiếu tướng Phan Văn Đường – Anh bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì nước, vì dân

Những năm làm nhiệm vụ ở Quân khu 4, Thiếu tướng Phan Văn Đường đã đến những vùng chiến sự khốc liệt nhất: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị... từng có những ngày sống trong địa đạo Vĩnh Mốc, đến với các trận địa pháo phòng không bên giới tuyến. Không chỉ làm công tác thanh tra, ông còn tìm hiểu cuộc sống bộ đội, động viên chiến sĩ chiến đấu.

Ông mang phẩm chất của một chính ủy quân đội. Quân khu 4 lúc bấy giờ là hậu phương của miền Nam, tuyền tuyến của miền Bắc. Địch đã ném xuống vùng đất này không biết bao nhiêu bom đạn, có những vùng quê đất đai tưởng hóa sành. Vậy mà con người ở đây lại sống hết sức ung dung, tự tại, bộ đội kiên cường đánh giặc trời, giặc biển, giặc sông, nhân dân bám ruộng vườn sản xuất. Trong hồi ức của đồng đội, luôn có hình ảnh ông luôn gần gũi với cuộc sống của nhà dân, những đêm lạnh giá ngủ trong ổ rơm và những bữa cơm gạo mới do đồng bào dân tộc Vân Kiều khoản đãi.

Tháng 10/1987, ông nghỉ hưu về thường trú tại số 10 hẻm 80, đường Yên Thế, Phường 2, Q.Tân Bình, TP.HCM. Sau khi nghỉ hưu ông tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và đã hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Tân Bình, TP.HCM.

Khi về đời thường, Thiếu tướng Phan Văn Đường cũng chẳng nghỉ ngơi. Ông làm những công việc có tên và không tên để giúp nhân dân trong khu phố. Từ đó, qui hoạch khu phố mở ra, có trường học, có chợ búa, con hẻm được đổ bê tông, khu phố có nhà văn hóa. Hiệu quả của việc làm của ông nhân dân khu phố hồi đó ghi nhận, biết ơn.

Rời quê hương Quảng Ngãi biền biệt hàng chục năm trời, nhưng tấm lòng của vị tướng luôn hướng về vùng quê nghèo Nghĩa Hòa. Trung tướng Phan Anh Việt (Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng), con trai tướng Đường nhớ lại: “Khi còn sống, cha tôi căn dặn con cháu phải chung tay xây dựng quê hương, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi nơi quê nhà. Thực hiện tâm nguyện của cha, anh chị em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải có những việc làm thiết thực để xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Ông Phan Tử Bình (con ruột) thay mặt gia đình Thiếu tướng Phan Văn Đường phát biểu tại buổi lễ trao nhà tình nghĩa

Thực hiện tâm nguyện của ông, hơn 10 năm nay, gia đình cùng đồng chí, đồng đội của ông và các tổ chức, cá nhân đã gây dựng “Quỹ Khuyến học Phan Văn Đường”. Từ con số vài trăm triệu đồng ban đầu, đến nay, quỹ đã phát triển hơn 1 tỷ đồng. Quỹ do chính quyền địa phương quản lý, sử dụng công khai vì mục đích giáo dục.

Những hình ảnh về Lễ trao học bổng Qũy khuyến học Phan Văn Đường, ngày 03/7/2010 tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi

Từ năm 2011 đến nay, trường tiểu học của xã vinh dự được mang tên cố Thiếu tướng Phan Văn Đường-người con ưu tú của quê hương. Nhân dịp này, gia đình ông đã đóng góp và vận động hỗ trợ gần 2 tỷ đồng xây dựng dãy phòng học, nhà hiệu bộ, tặng gần 1.000 đầu sách, 20 bộ máy vi tính…

Trường tiểu học mang tên Thiếu tướng Phan Văn Đường

Ngôi trường tiểu học mang tên cố Thiếu tướng Phan Văn Đường nằm ngay trung tâm xã Nghĩa Hòa. Cô giáo Trần Thảo Ái Vi cho biết: “Trong 40 em lớp này đa số là con nhà nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong đó có 5 em thuộc hộ đặc biệt khó khăn. Đều đặn hằng năm các em đều được tiếp sức học bổng Phan Văn Đường, để có thêm điều kiện trong học tập”.

Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Phan Văn Đường

Cô Đinh Thị Thanh Tuyền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Đường chia sẻ: "Từ năm 2011 trường vinh dự mang tên Thiếu tướng Phan Văn Đường, đến nay trường có gần 850 học sinh, với 26 lớp. Với nguồn kinh phí từ “Quỹ Khuyến học Phan Văn Đường”, mỗi năm trường trích tiền lãi từ quỹ này để cấp học bổng, trợ giúp cho gần 50 học sinh khó khăn, hiếu học”.

“Sự trợ giúp thiết thực từ nguồn quỹ của gia đình Thiếu tướng Phan Văn Đường đã giúp cho hoạt động dạy và học của trường ngày một nâng cao. Nhiều thế hệ học trò khó khăn được hỗ trợ đều có tinh thần hiếu học và phấn đấu học tập tốt, trở thành con ngoan trò giỏi, người có ích cho xã hội”, cô Tuyền chia sẻ.

Ngoài đóng góp của gia đình Thiếu tướng Phan Văn Đường còn có sự góp sức của các tổ chức, cá nhân và đồng đội của ông. Gia đình ông còn tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa như xây dựng hai ngôi nhà tình nghĩa cho những gia đình thân nhân liệt sỹ ở địa phương. Mới đây, gia đình ông đóng góp làm tuyến đường bê tông hơn 500 mét để thuận lợi cho việc đi lại trong xã.

Nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trần Văn Thanh cho biết: “Trước tấm long và đóng góp của gia đình Thiếu tướng Phan Văn Đường với quê hương, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tổ chức quản lý, sử dụng Qũy khuyến học đúng nguyên tắc, vì mục đích giáo dục để không có học sinh nào khó khăn trên địa bàn xã phải bỏ học giữa chừng”.

Đình Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://www.nguonluc.com.vn