Muộn còn hơn không

03/11/2023 07:35

Kinhte&Xahoi Việt Nam là đất nước đặc biệt, nơi có đủ “biển bạc, rừng vàng”, mưa gió bốn mùa. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới được thiên nhiên ưu ái nhiều tiềm năng đến thế. Các loại tài nguyên không chỉ tạo nên không gian sống, mà còn là dư địa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ con người.

Ảnh minh họa.

Chúng ta đều biết về sự nổi tiếng của các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã được quốc tế công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới nhiều thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Nhấn mạnh vai trò vị trí của tài nguyên thiên nhiên, ngày 1/11/2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1277/QĐ-TTg phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Khoáng sản trong lòng đất, nhiên liệu hóa thạch phải được quản lý tốt, khai thác hiệu quả, với tầm nhìn để lại cho con cháu mai sau. Chính vì thế, Điều 7 Nghị định 51/2021/NĐ-CP đã nêu rõ: “Khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khoáng sản”...

Việc lãnh đạo Chính phủ có Quyết định 1277/QĐ-TTg, còn có mục đích chặn đứng nạn khai thác khoáng sản bừa bãi. Điển hình có thể kể đến vụ “núp bóng” dự án nhà hàng, khách sạn để khai thác apatit trái phép ở Cty Lilama và Cty Apatit Việt Nam tại Lào Cai. Liên quan vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đều đã bị khởi tố. Một vụ án trong lĩnh vực này mới đây cũng bị khởi tố, là khai thác đất hiếm trái phép tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Cty CP Tập đoàn Thái Dương.

Quyết định 1277/QĐ-TTg xác định cả nước có 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với 10 loại khoáng sản; gồm than năng lượng, quặng Apatit, quặng chì - kẽm, quặng Cromit, quặng Titan, quặng Bauxite, quặng sắt -laterit, đá hoa trắng, cát trắng, quặng đất hiếm.

Nghị định 51/2021/NĐ-CP có điều khoản “nghiêm cấm lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”. Cổ nhân dạy “muộn còn hơn không”. Kỳ vọng với Quyết định 1277/QĐ-TTg, sẽ góp phần giúp các khu dự trữ khoáng sản được bảo vệ nghiêm ngặt; khoáng sản trong lòng đất ngày càng được quản lý tốt, khai thác hiệu quả, không chỉ phục vụ cuộc sống hiện tại, mà còn để lại cho con cháu mai sau.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/muon-con-hon-khong-d200478.html