Muốn sớm bình yên trở lại, hãy đặt ý thức lên hàng đầu

04/08/2021 14:34

Kinhte&Xahoi So với việc phải đến khu cách ly tập trung, vào bệnh viện dã chiến, phải chiến đấu với tử thần để bảo toàn mạng sống thì được ở trong căn nhà của chính mình, với những người thân yêu cùng ăn bữa cơm, trải qua những ngày tháng an toàn vẫn sung sướng hơn nhiều. Chính vì thế, trong những ngày giãn cách xã hội như thế này, chúng ta cùng nén mọi nhu cầu, nén cả cảm xúc, đặt ý thức lên hàng đầu để ngày bình thường sớm quay trở lại.

Càng thêm yêu Hà Nội

 “Bạn đã thấy nhớ hồ Tây chưa”, một diễn đàn trên mạng xã hội đặt câu hỏi. Rất nhiều người tham gia bình luận, bày tỏ nỗi niềm, kỉ niệm và cả những mong mỏi. “Nhớ chiều hồ Tây, ai đợi chờ ai, buông dài tóc mềm” hay “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi, màn sương thương nhớ. Bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời” như trong câu hát.

Nhất là khi trời đã chớm thu như thế này, hồ Tây, điểm hẹn hò lí tưởng càng trở nên huyền hoặc với hơi sương mờ ảo, với ráng chiều vàng rực nhớ nhung, với không khí lạnh dịu mát lòng người.

Những ngày này, người Hà Nội càng thêm yêu, thêm nhớ những góc phố, hàng cây, không gian quen thuộc của thành phố

Mọi người cũng nhớ hồ Gươm, nhớ cầu Long Biên, nhớ phố bích họa Phùng Hưng, nhớ những góc phố, con đường, quán quen với hương cà phê nồng nàn… Những ngày bình thường xưa kia đã trôi qua như là kí ức. Để đến nỗi, không cứ phải đi xa nửa vòng trái đất hay vào phương Nam xa xôi, người Hà Nội hiện nay đang nhớ chính thành phố của mình khi vẫn đang ở trong lòng nó.

Bởi, mọi nhịp sống bị đảo lộn trong dịch bệnh. Trước kia, cuối tuần là ngồi quán xá, nghe chim hót, đạp xe thong dong ngắm phố phường, còn ngày làm việc thì tất bật hẹn hò, công việc, đông vui náo nhiệt là việc hết sức bình thường. Bây giờ, những điều đó là xa xỉ, là không được phép. Tất nhiên, ai cũng nhớ, cũng thương, cũng mong muốn được quay trở lại nhịp sống khi xưa nhưng ai cũng biết rằng, điều đó trong tình hình “thời chiến” này là không thể.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tránh tất cả các nguy cơ đáng tiếc xảy ra, chính quyền thành phố đang nỗ lực triển khai mọi biện pháp để đối kháng với dịch bệnh. Những biện pháp này có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào ý thức chấp hành, phối hợp của người dân.

Nếu yêu Hà Nội thì nên biết nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Thời gian qua, dù tiến hành giãn cách nhưng Hà Nội không có tình trạng nhốn nháo, hoang mang. Sau 3 làn sóng dịch bệnh trước, cộng với bản lĩnh, nền tảng vững chắc được tôi luyện qua nhiều chiến tranh gian khổ, người Hà Nội sớm có phẩm chất, tác phong bình tĩnh, tuân thủ mệnh lệnh từ cấp trên. Đồng tình, nhiệt tình, chấp hành tốt những chỉ thị, biện pháp chống dịch của thành phố, người Hà Nội còn thấy may mắn vì được sống trong môi trường tương đối an toàn, ít biến động.

Không để cho Nhân dân phải thiếu đói, ngay từ trước khi giãn cách, Hà Nội đã có những phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ để người dân yên tâm. Việc phát phiếu đi chợ cũng được tiến hành nhanh chóng song song với các hoạt động lập chốt, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao. Chính vì thế, người dân hoàn toàn yên tâm, không dao động, không sợ hãi, không nháo nhào chạy loạn gom hàng hóa, nhu yếu phẩm.

Tăng tính tự giác và giám sát

Dù vậy, đó đây vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến dư luận bức xúc. Đó là một bộ phận người dân chưa thực sự hiểu, chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng, chống dịch. Một vài người còn cố ý đi tập thể dục buổi sáng, không đeo khẩu trang, chống đối khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở. Cá biệt, người đàn ông ra gầm cầu tập đánh golf hay trường hợp F1 chống đối không chịu đi cách ly ở khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ thực sự là điển hình về cái tôi cá nhân quá lớn, ích kỉ, thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng pháp luật và cái chung.

Bên cạnh đó, còn ở một vài nơi, cư dân vẫn than phiền vì còn có người tập thể dục, tụ tập, buôn chuyện ở sân chung. Điều này hết sức nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, tăng gánh nặng cho chính quyền và người dân xung quanh. Khi những thông tin này được đưa lên các diễn đàn, lên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến phê phán đưa ra, chứng tỏ dư luận rất quan tâm và thể hiện tinh thần phê bình, đấu tranh cao.

Những hành vi bất chấp này đã bị dư luận lên án gay gắt

Lúc này, lối ứng xử văn minh, tôn trọng pháp luật, tôn trọng bản thân và cộng đồng cần được phát huy tác dụng cao độ. Trong khi đó, việc giám sát, phản biện hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch cũng cần phải được đẩy mạnh. Vì có như thế, người dân mới càng tích cực đồng hành cùng chính quyền trong cuộc chiến không của riêng ai này.

Bà Nguyễn Thị Sự (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Đừng ai kêu bí bách, bất tiện, thiếu thốn. So với thời Hà Nội cách đây mấy chục năm thực phẩm tem phiếu, xếp hàng lấy nước, chốc chốc nghe còi báo động, đang nấu cơm, đang đi làm, thậm chí đang hẹn hò cũng phải nhảy xuống hầm tránh bom… thì còn sung sướng hơn nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (ở quận Ba Đình, Hà Nội) thì sợ nhất là phải đi vào khu cách ly. Đang bầu bí, nhà lại có con nhỏ, chị bảo, nếu giờ mình đi cách ly rất bất tiện cho bà bầu. Hơn nữa, nếu con nhỏ bị đi cách ly càng khổ vì bản thân chị phải đi theo để chăm con. Chính vì thế, chị quyết tâm ở trong nhà, ăn uống đơn giản cũng được, miễn sao đừng tiếp xúc với nhiều người, mong dịch bệnh sớm lắng xuống để còn… đi đẻ.

Vì một Hà Nội sớm bình yên, để ai cũng được an toàn, khỏe mạnh thì mỗi người hãy tự biết điều chỉnh nhu cầu bản thân

Chị Tâm Anh (ở quận Long Biên, Hà Nội) cũng tâm sự, đừng đòi hỏi bữa cơm phải đầy đủ, đầy đặn vào những ngày này. Dù không thiếu thực phẩm nhưng chị cũng thay đổi cách sống, chi tiêu tiết kiệm, đồ ăn phải ăn hết, không để thừa mứa. Chị bảo: “Trước đây nhà tôi không bao giờ ăn lại đồ của hôm trước nhưng giờ còn gì tôi phải cất hết, để bữa sau ăn tiếp, không đổ đi cái gì.

Làm như vậy để bản thân mình không phải đi chợ nhiều lần, không tiếp xúc nhiều, không tạo áp lực thiếu thực phẩm cho chợ gần nhà, cũng giảm được việc người đi lại trong thành phố. Hơn nữa, còn rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh như thế này, tôi tiết kiệm tiền để quyên góp cho các hội từ thiện. Đó cũng là cách để mọi người cùng nhau san sẻ mong sớm vượt qua đại dịch”.

Ông Trần Mạnh Luân (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chiêm nghiệm: “Ngày xưa, thế hệ chúng tôi còn từ bỏ cả cơ hội đi học nước ngoài để xung phong vào chiến trường. Nhiều sinh viên cũng gác nghiệp bút nghiên lại, đi đánh giặc trước đã. Thời nào cũng vậy, khi mọi người biết nén những nhu cầu, lợi ích cá nhân xuống thì cộng đồng được lợi, mục đích chung sớm hoàn thành”.

Muốn đặt lợi ích cá nhân hòa trong lợi ích cộng đồng thì trước hết vẫn cần phải nâng cao ý thức, chỉ có ý thức mới quyết định được hành vi, suy nghĩ của chúng ta. Chỉ có ý thức mới quyết định được việc Hà Nội sớm được trở lại những ngày như trước kia, khi chúng ta thoải mái tham gia mọi hoạt động xã hội theo nhu cầu của mình.

Bởi vậy, mỗi người Hà Nội hãy thêm một lần nữa đặt ý thức lên hàng đầu để chào đón ngày bình thường sớm quay trở lại

 Cẩm Tú - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/muon-som-binh-yen-tro-lai-hay-dat-y-thuc-len-hang-dau-172533.html