Năm bộ luật Quốc hội thông qua năm 2020 được quan tâm nhất

02/01/2021 09:39

Kinhte&Xahoi Năm 2020, tại 2 kỳ họp thứ 9, 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 17 Luật trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây, Báo điện tử Tổ Quốc lược qua 5 bộ luật được dư luận dành sự quan tâm đặc biệt.

Các Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật.

1. Luật Đầu tư: "Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ" 

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Đầu tư 2014.

Đáng chú ý, tại Điều 6 của Luật này quy định, từ ngày 01/01/2021 chính thức cấm cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người); Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ.

Luật chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021.

2. Luật Đối thoại, hòa giải tại tòa án: Không ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải 

Chiều 16/6/2020, với 436/455 đại biểu có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 90,27%), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi hòa giải, đối thoại là phải giữ bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại. Cụ thể, Điều 4 Luật này nêu rõ: "Trong quá trình hòa giải, đối thại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và việc ghi chép chỉ phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại cũng như những nội dung đã ghi chép cũng phải được bảo mật.

Đồng thời, Hòa giải viên, các bên tham gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia cũng không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại trừ trường hợp được sự đồng ý của các bên cung cấp thông tin.

Ngoài ra, trong hòa giải, đối thoại, các bên phải tuyệt đối tự nguyện cũng như phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên, không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ. Đặc biệt, giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại cũng phải được bảo đảm quyền bình đẳng.

3. Luật Cư trú (sửa đổi): "Bỏ sổ hộ khẩu giấy từ đầu năm 2023" 

Chiều 13/11/2020, Quốc hội bấm nút thông qua Luật cư trú (sửa đổi) với 93,1% đại biểu tán thành và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021, trong đó quyết định "khai tử" sổ hộ khẩu giấy từ đầu năm 2023, chuyển sang sử dụng số định danh cá nhân.

Trường hợp khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31-12-2022.

Như vậy, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31-12-2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

4. Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi): Không dùng biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước" để cưỡng chế 

Ngày 13/11, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, với riêng quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có 452 đại biểu tham gia, có 390 đại biểu tán thành bằng 80,91% và không tán thành 56 (11,62%) và 6 đại biểu không biểu quyết.

Với đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước", 390 đại biểu (80%) bấm nút không đồng ý. Đây là đề xuất từng gây tranh cãi qua nhiều phiên thảo luận. Ban soạn thảo và một số đại biểu cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế nêu trên vào dự thảo Luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt vi phạm.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tại điều 24, bổ sung quy định phạt đến 1 tỷ đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.

Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

5. Luật Bảo vệ môi trường: "Xả bao nhiêu rác phải trả bấy nhiêu tiền" vào năm 2025

Chiều 17/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với tỉ lệ 91,91% đại biểu tán thành.

Đáng chú ý, Điều 79 của Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định tại Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. 

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

 Thế Công - Theo Tổ Quốc


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/nam-bo-luat-quoc-hoi-thong-qua-nam-2020-duoc-quan-tam-nhat-d144989.html