Nam sinh hiếu học Thào A Chư khiến giảng viên ĐH Thương Mại cảm động

16/04/2020 15:11

Kinhte&Xahoi Nắm được thông tin về Thào A Chư, các thầy cô ĐH Thương mại đã triển khai chụp lại toàn bộ bài giảng và gửi tới em trong thời gian sớm nhất, để em có đủ tài liệu ôn tập chuẩn bị cho kì thi sắp tới.

Thào A Chư, sinh viên lớp K54P1, chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại, quê ở thôn Pắc Bẹ, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La lên núi học online

Trong những ngày thực hiện “giãn cách xã hội” vì Covid-19, tôi “gặp” được những em sinh viên “về quê tránh dịch”, hằng ngày phải lên đỉnh dốc, lên đồi để bắt sóng 3G, 4G để cùng cả lớp học online.  

Vốn dĩ nếu chỉ loáng thoáng nghe chuyện những ngày mưa gió rét các em phải ra khỏi nhà từ 4-5 giờ sáng để kịp giờ vào lớp lúc 6h45, tôi đã cảm thấy các em thật đáng nể, nhưng khi có cơ hội trò chuyện nhiều hơn, tôi thật sự khâm phục.

Khi dịch bệnh kéo dài, Nhà trường quyết định triển khai dạy và học online, Thào A Chư, sinh viên lớp K54P1, chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại, quê ở thôn Pắc Bẹ, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, không thể đến giảng đường trực tiếp nghe giảng vì sóng 4G ở khu nhà em rất kém.

 A Chư lo không thể tải được phần mềm để học online hoặc có tải được cũng khó lòng nghe giảng đầy đủ, em đã xin bố mẹ xuống huyện thuê nhà trọ để tiện học tập hơn, nhưng bố mẹ thương và lo cho con, sợ rằng dưới huyện đông người, khó tránh ảnh hưởng dịch bệnh, nên em đã ở lại nhà và hằng ngày vượt qua quãng đường xấp xỉ 7km lên đồi để “vào lớp”.

 
Ngày trời nắng, A Chư mất một giờ đồng hồ đi xe máy khoảng 4km rồi đi bộ tiếp 3km để tới điểm có sóng, còn trời mưa thì em dành khoảng hai giờ đi bộ đi học vì đường trơn trượt, không thể đi xe máy.

Những ngày học thông hai buổi, sáng em tự mình mang cơm lên đồi để ăn trưa và ở lại học tiếp buổi chiều. Ngoài giờ học, em lại trở về là một cậu con trai của gia đình làm nông, với những công việc thường ngày giúp bố mẹ như nấu cơm, làm nương, kiếm củi, kiếm thức ăn cho lợn, gà.

Kỳ thi sắp tới, mà cuộc chiến chống dịch Covid-19 có lẽ sẽ còn kéo dài khiến nỗi lo của A Chư cũng lớn hơn, khi em không có laptop, khiến việc xem slide bài giảng do Nhà trường cung cấp trên điện thoại cũng trở nên khó khăn hơn (do khi tải về bị lỗi font, khó có thể xem toàn bộ bài giảng).

Nắm được thông tin về Thào A Chư, các thầy cô Trường Đại học Thương mại đã triển khai chụp lại toàn bộ bài giảng và sẽ gửi tới em trong thời gian sớm nhất để em có đủ tài liệu ôn tập chuẩn bị cho kì thi sắp tới.

Tôi đã bắt đầu cuộc nói chuyện với em Thào A Chư với nỗi tò mò, không biết hằng ngày em vượt qua những khó khăn gì để “đến lớp” như vậy. Nhưng bên cạnh câu chuyện đó, tôi nhận ra một gia đình ấm áp và sự nỗ lực không ngừng vươn lên của ba anh em trai A Chư.

Em kể, bố mẹ đều làm nông ở quê, không biết chữ, nhưng luôn tin tưởng và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ba anh em trong sự nghiệp học hành.

Anh trai A Chư chọn học ngành Y, còn em trai hiện đang đóng quân tại Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện Mộc Châu. Việc chọn ngành, chọn nghề đều do ba anh em tự tìm hiểu, bảo ban nhau. 

Thào A Chư và bố

Mỗi nỗ lực, cố gắng của ba anh em trong học tập giống như thay chính bố mẹ mình viết nên ước mơ ngày trước, vì bố mẹ A Chư luôn nói với con mình rằng: "Ngày xưa bố mẹ rất thích được đi học nhưng không bao giờ được đi, nên giờ các con phải cố gắng lên, bố mẹ sẽ luôn là bàn đạp động lực để thúc đẩy các con".

Từ nhỏ, xem nhiều đọc nhiều về những phiên tòa, A Chư đã nuôi ước mơ trở thành luật sư, vì em thấy nghề luật sư yêu cầu nhiều cả về kiến thức đời sống, xã hội, bên cạnh việc phải nắm rõ về pháp luật. Và may mắn, em luôn có cả gia đình, họ hàng ở bên ủng hộ quyết định của mình.

Thào A Chư rất đa tài, em có thể chơi đàn, thổi sáo, thể thao...

Năm 2017, chàng sinh viên dự bị Thào A Chư đã chọn thi khối C, ngành Luật, Học viện Biên Phòng, tuy đạt 28 điểm nhưng may mắn chưa mỉm cười với em. Sau một thời gian tự mình tìm hiểu, em đã quyết định đăng ký thi lại Đại học Luật Hà Nội và ngành Luật Kinh tế của Đại học Thương mại.

Năm 2018, Thào A Chư đã chính thức là tân sinh viên Đại học Thương mại, Khóa 54, và bắt đầu hành trang trở thành một luật sư tương lai.

Thào A Chư cũng có nhiều sở thích bình thường giống như bao sinh viên khác, em thích nhạc, có thể chơi đàn, thổi sáo, thích chơi thể thao và thích đọc sách vở, tài liệu liên quan tới xã hội, pháp luật Việt Nam.

Thào A Chư luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện

Đối với A Chư, thời gian đẹp nhất trong hai năm làm sinh viên Đại học Thương mại vừa qua chính là thời gian học giáo dục quốc phòng tại cơ sở Hà Nam. Ở đó, em được sinh hoạt chung cùng các bạn, và có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động thể thao, giải trí.

Tâm đắc với lời một người thầy giáo cũ từng dạy rằng “cuộc đời con người sống chỉ có một lần, sống là cho, chết cũng là cho, hãy mở rộng tâm hồn để hưởng thụ, để sẻ chia, để yêu thương, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, không cảm thấy nuối tiếc điều gì”, nên em cũng luôn cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác.

Có lẽ đó là lí do vì sao ngay từ năm học đầu tiên của thời Đại học, Thào A Chư đã đăng ký tham gia vào Câu lạc bộ tình nguyện của Khoa và trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, với lịch học và lịch đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt khá dày nên tới năm thứ hai, em đã không thể tiếp tục đồng hành cùng cả đội.

Thào A Chư đã giành được suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt trong sự kiện “1000 CEO 2019”.

Kỳ I năm học 2019-2020, đáp lại những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của mình, Thào A Chư đã giành được suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt trong sự kiện “1000 CEO 2019”.

Sau hai ngày trò chuyện cùng Thào A Chư, em nhắn cho tôi rằng, từ mai em sẽ xuống huyện thuê trọ, vì trên em đi lại khó khăn, mà sắp tới có nhiều bài kiểm tra quá, em sợ nếu mạng cứ không ổn định thế này thì khó mà nộp được bài kiểm tra.

Khi tôi còn chưa kịp gửi lời động viên và chúc em học tốt, thi tốt, A Chư đã nói cảm ơn tôi “rất rất nhiều vì chị đã bỏ thời gian ra để thăm hỏi em”. Không, em à, chị mới là người phải cảm ơn em, vì chính những cố gắng và nỗ lực của em giúp chị thấy cuộc sống này thật đẹp. Chúc em khỏe, học tốt, thi tốt và đạt được ước mơ trở thành luật sư của mình nhé.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/nam-sinh-hieu-hoc-thao-a-chu-khien-giang-vien-dh-thuong-mai-cam-dong-d122116.html