Tai nạn thương tích thường chia thành hai nhóm lớn là tai nạn thương tích không có chủ định và tai nạn thương tích có chủ định. Việc phòng chống TNTT được thực hiện bằng các biện pháp phòng ngừa chủ động và phòng ngừa thụ động.
TNTT không có chủ định thường xảy ra do sự vô ý hay không có sự chủ ý của những người bị tai nạn thương tích hoặc của những người khác. Các trường hợp thường gặp là tai nạn thương tích do giao thông như tai nạn ô tô, xe đạp, xe máy, người đi bộ, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay; do bị ngã, lửa cháy, nghẹt thở, chết đuối, ngộ độc...
Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản là cần thiết để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.
TNTT có chủ đích là loại hình tai nạn gây nên do sự chủ ý của người bị tai nạn thương tích hay của cá nhân những người khác. Các trường hợp thường gặp là tự tử, giết người, bạo lực thành nhóm như chiến tranh, đánh nhau, hiếp dâm, hành hạ trẻ em, hành hạ người già, bạo lực trong trường học...
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở nước ta hiện nay lên tới 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%).
Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 900.000 ca trẻ em tử vong do TNTT, tương đương với gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày, mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong. Mỗi ngày, ở Việt Nam ta vẫn còn hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị TNTT. Trong số đó có khoảng gần 20 trẻ tử vong do TNTT mỗi ngày.
Trên đây là số liệu thống kê được công bố tại một buổi hội thảo góp ý xây dựng “Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020” tại Hà Nội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới (WV) tổ chức.
Có thể nhận thấy, ở những nơi tưởng chừng như an toàn nhất như chính ngôi nhà của bạn cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây ra TNTT không chỉ cho người lớn mà đặc biệt là trẻ em. Thời gian vừa qua, đã xảy ra không ít vụ trẻ em đã bị tai nạn ngay tại gia đình, dẫn đến tử vong hoặc thương tật. Bên cạnh sự lơ là, chủ quan, thiếu kiến thức của các bậc phụ huynh là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, còn do chính sự hiếu động, tò mò, nghịch ngợm của mình. Các em chưa nhận thức được đầy đủ những mối nguy hiểm tiềm ẩn ở xung quanh mình.
Đặc biệt, nghỉ Hè là dịp các em có thời gian ở nhà nhiều hơn trong năm học. Chính vì thế mà nguy cơ dẫn đến TNTT cũng có nguy cơ tăng cao nếu không được sự chú ý, chăm sóc đúng mức của người lớn. Nhưng do thiếu kiến thức về các nguyên nhân và nguy cơ có thể gây TNTT cho trẻ em nên nhiều người, đặc biệt là các ông bố, bà mẹ trẻ vẫn hàng ngày đặt sự an toàn của trẻ vào rủi ro một cách vô thức.
Trước tiên là việc để mặc trẻ không chơi tự do không có sự giám sát của người lớn, đây là một hành vi gây ra rủi ro có xu hướng ngày càng cao và xu hướng cha mẹ bỏ con cái ở nhà để tập trung làm việc với thời gian lâi hơn. Đây là các xu hướng khó tránh khỏi khi các gia đình trẻ hay có thói quen ra ở độc lập khi xây dựng gia đình (chuyển từ mô hình gia đình nhiều thế hệ sang mô hình gia đình hạt nhân), cùng với đó là lý do tập trung cho làm ăn kinh tế khiến cho vai trò của người lớn trong việc giám sát trẻ nhỏ ngày càng bị hạn chế.
Đứng trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số: 234/QĐ-TTg ngày 06/02/2016 để phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Chương trình có các mục tiêu hết sức cụ thể như: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 600/100.000 trẻ em; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 17/100.000 trẻ em; 5.000.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 10.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 300 xã phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn; Giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015; Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015.
Ngoài ra, 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về an toàn giao thông; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em. 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích. Các đối tượng và phạm vi của chương trình là trẻ em trên toàn quốc.
Nội dung chính của chương trình là truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể. Xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Tổ chức triển khai các hoạt động can thiệp và tư vấn trực tiếp tại các gia đình, nhằm loại bỏ nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình; Nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn trong gia đình. Xây dựng Trường học, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em. Phòng, chống đuối nước trẻ em. Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Cùng với những nỗ lực từ phía Chính phủ, các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản để có thể phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ và chính bản thân mình. Việc phòng ngừa này có thể bằng phương pháp chủ động hoặc thụ động.
Phương pháp phòng ngừa chủ động đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của cả người lớn và trẻ nhỏ, có nghĩa là hiệu quả của việc phòng ngừa phụ thuộc vào bản thân đối tượng cần được bảo vệ có sử dụng đúng các biện pháp phòng ngừa hay không. Phương pháp phòng ngừa thụ động là biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát các TNTT. Biện pháp này không đòi hỏi phải có sự tham gia của trẻ mà phát huy tác dụng phòng ngừa hay bảo vệ các thiết bị, phương tiện đã được thiết kế để trẻ tự động được bảo vệ trong môi trường của mình.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh phải có các biện pháp dự phòng TNTT trước khi các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây nên tại nạn thương tích. Ví dụ như lắp đặt giá cài dao, giá để phích nước nóng; nắp đậy giếng khoan và bể nước; rào chắn cầu thang, tay vịn cầu thang; lập hàng rào xung quanh ao, hồ; cho trẻ sử dụng các thiết bị an toàn khi chơi thể thao; các biện pháp khác về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho trẻ...
Nhưng khi xảy ra TNTT tìm cách khắc phục, làm giảm mức độ nghiêm trọng của các thương tổn khi xảy ra tai nạn thương tích. Ví dụ như đội mũ bảo hiểm xe máy để phòng tránh chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra... Sau khi bị thương tích việc kịp thời sử dụng các biện pháp sơ cứu nhằm giảm thiểu hậu quả cũng quan trọng không kém.
Vấn đề về TNTT là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là TNTT đối với trẻ nhỏ do sự phổ biến cũng như mức độ khá nghiêm trọng của nó. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tăng cường chú ý, giám sát trẻ nhỏ. Trang bị cho trẻ các kiến thức về kỹ năng sống như khi tham gia giao thông; kỹ năng bơi lội;...
Chỉ bằng cách thực hiện những chính sách một cách mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tạo ra một môi trường an toàn hơn thì mới có thể bảo vệ được trẻ em Việt Nam trước những nguy cơ gây ra TNTT. Đây phải là nỗ lực không chỉ của riêng phụ huynh nào mà còn là của cả cộng đồng để đảm bảo cho các em được an toàn và khỏe mạnh, đặc biệt trong những kỳ nghỉ như vào mỗi dịp Hè.
Theo KD&PL