Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ

09/04/2023 16:00

Kinhte&Xahoi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng 1.216 biệt thự (theo danh mục biệt thự xây dựng từ trước năm 1954 ban hành kèm theo Quyết định số 1845/QĐ- UBND ngày 2/6/2022 của UBND thành phố) và một số công trình kiến trúc khác được thực hiện theo quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng tại Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.

Ảnh minh họa

Việc khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ các biệt thự và một số công trình kiến trúc khác nhằm xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm, có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành; Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.

Việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng được ưu tiên với 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác, xây dựng từ trước năm 1954, thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý để phục vụ kế hoạch của UBND thành phố về bảo tồn, chỉnh trang theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy theo tiêu chí: Đã được đánh giá xếp nhóm 1, nhóm 2; Thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không được bán, hiện Nhà nước quản lý, sử dụng; Các biệt thự, công trình kiến trúc khác có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; Các biệt thự, công trình kiến trúc khác đang sử dụng làm trụ sở, các đại sứ quán; các biệt thự, công trình kiến trúc khác xuống cấp, chưa được cải tạo, sửa chữa (khoảng 3-5 năm).

Thành phố yêu cầu việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý phải thực hiện xong trước ngày 30/9/2023. Với toàn bộ 1.192 biệt thự, thành phố đưa ra hạn thời gian xong trước ngày 30/6/2024.

UBND thành phố khuyến khích các chủ sở hữu, quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí đánh giá, kiểm định, đánh giá chi tiết chất lượng công trình để sớm có phương án bảo tồn, chỉnh trang biệt thự và công trình kiến trúc khác xây dựng từ trước năm 1954.

Sau khi có kết quả đánh giá, kiểm định biệt thự và công trình kiến trúc khác xây dựng từ trước năm 1954, thành phố sẽ đầu tư kinh phí để chỉnh trang, bảo tồn các công trình do thành phố quản lý.

Thành phố thông báo kết quả, danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm do Trung ương quản lý hoặc các tổ chức, cá nhân khác đã được khảo sát bằng phương pháp chuyên gia, xác định là biệt thự và khuyến nghị các cơ quan Trung ương sớm bố trí kinh phí để kiểm định chi tiết chất lượng biệt thự, từ đó có giải pháp, phương án chỉnh trang, bảo tồn biệt thự.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Luật Du lịch trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch và ngược lại, du lịch cũng là phương thức để du khách thêm hiểu và yêu nền văn hóa bản địa. Do vậy, cần có những đột phá thực chất, nhất là trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững.

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-trach-nhiem-cua-cac-to-chuc-ca-nhan-trong-viec-quan-ly-su-dung-biet-thu-cu-221376.html