Nâng mức phạt vi phạm trật tự xây dựng để răn đe

05/11/2020 07:39

Kinhte&Xahoi Theo dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại nội thành Hà Nội đang được lấy ý kiến, mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm được đề xuất tăng cao so với trước. Việc tăng mức xử phạt nhận được đồng tình của dư luận, góp phần tăng tính răn đe, giúp hạn chế các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Lực lượng chức năng xử lý một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 58-60 Đào Duy Từ. Ảnh: Cẩm Nam.

Tăng mức phạt

Thông tin về dự thảo nghị quyết, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo cho biết, Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 11-7-2014 của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, căn cứ theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, đã hết hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (ngày 27-11-2017, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018) để thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, vì vậy thành phố Hà Nội soạn thảo, ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND.

Điểm đáng chú ý là theo dự thảo nghị quyết mới, mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã được đề xuất tăng so với Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND từ 2 đến 10 lần. Cụ thể, hành vi xây dựng không che chắn hoặc để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống khu vực xung quanh, mức phạt là 2-4 triệu đồng, tăng gấp 2 lần. Với hành vi xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, mức phạt lên đến 60-80 triệu đồng, tăng 8-10 lần. Hành vi thi công xây dựng sai phép, mức phạt cũng tăng gấp đôi; trong đó trường hợp cải tạo nhà ở sai phép phạt tiền 12-20 triệu đồng, xây dựng mới sai phép phạt 40-80 triệu đồng. Trường hợp xây dựng không phép, mức xử phạt từ 80 đến 120 triệu đồng, cao gấp 4 lần... “Cũng như Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND, mức xử phạt tại dự thảo nghị quyết mới của HĐND thành phố Hà Nội cao gấp đôi so với quy định tại nghị định của Chính phủ”, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Thực hiện đồng bộ giải pháp

Lực lượng chức năng cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình). Ảnh: Cẩm Nam.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 10.531 công trình; phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 2,25%). Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường... Tuy số lượng vi phạm giảm, song thực tế, mức độ và hình thức vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, thậm chí có dự án còn tái vi phạm sau khi bị xử phạt.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Như Thanh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), mặc dù vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã giảm song tình trạng và mức độ sai phạm vẫn nhức nhối. Do vậy, để tăng tính răn đe, phòng ngừa rất cần tăng chế tài xử phạt. Ông Nguyễn Hồng Quân (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) cho rằng, bên cạnh việc tăng mức xử phạt, cần gắn trách nhiệm cụ thể với cán bộ quản lý trật tự xây dựng và lãnh đạo địa phương để bảo đảm hiệu quả thực thi.

Việc nâng mức xử phạt cũng nhận được sự đồng tình của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa bày tỏ, việc tăng mức xử phạt sẽ tạo tính răn đe cao, giúp hạn chế các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong khi đó, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình Vũ Hữu Anh cho rằng, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả dỡ bỏ phần xây dựng vi phạm, trả lại nguyên trạng công trình. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như cắt điện, nước… đối với công trình vi phạm để việc xử lý đạt hiệu quả.

Hiện dự thảo nghị quyết đang được Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi trình HĐND thành phố thông qua (dự kiến tại kỳ họp cuối năm 2020). Khẳng định việc ban hành nghị quyết mới sẽ tạo chế tài mạnh để xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cũng cho hay, đối với vướng mắc, bất cập khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật khác, Sở Xây dựng đã tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã nhằm nâng cao sự chủ động, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.

 Dạ Khánh - Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bão số 10 diễn biến khó lường, Nam Trung Bộ mưa lớn từ đêm nay

Từ đêm nay (4/11) đến 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 - 350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/982777/nang-muc-phat-vi-pham-trat-tu-xay-dung-de-ran-de