“Nắng nóng 39, 40 độ mà bị cắt điện nước thì ai chịu nổi!?”

18/06/2020 14:49

Kinhte&Xahoi Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước vào Luật Xử lý vi phạm hành chính là thiếu nhân văn. Bởi có những ngày nắng đến 40 độ mà bị cắt điện, nước thì không ai chịu nổi.

Sáng 18/6, thảo luận tại hội trường hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu tập trung cho ý kiến về biện pháp ngừng cắt điện, nước tại địa điểm cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm.

Theo đại biểu Lê Công Đỉnh, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm mà chỉ sử dụng các biện pháp ngăn chặn khác là chưa đủ. Bởi nhiều trường hợp cho rằng việc lập biên bản xử lý là của cơ quan chức năng, còn việc vi phạm là của họ.

Đại biểu Trần Tất Thế không ủng hộ biện pháp cắt điện, nước

“Khi cơ quan chức năng đến thì họ ngừng, đi thì lại tiếp tục vi phạm. Do vậy, không lực lượng nào có thể làm hiệu quả nếu không bổ sung biện pháp ngừng cấp điện, nước”, ông Lê Công Đỉnh nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Tất Thế lại cho rằng, điện nước không phải là tang vật, phương tiện được sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là công cụ, phương tiện cưỡng chế. Ngoài ra, việc cung cấp điện, nước là thỏa thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ, nên việc ngưng cung cấp phải thực hiện theo hợp đồng.

“Điện, nước là dịch vụ thiết yếu, nếu thiếu thì các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải dừng. Nhưng việc này còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của các chủ thể khác, trong khi họ không phải là người vi phạm hành chính mà vẫn phải chịu chung với tổ chức cá nhân vi phạm”, ông Thế nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá việc cắt điện, nước trong xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân là thể hiện “sự bất lực” của chính quyền và lực lượng chức năng. “Chúng ta cần phải cân nhắc biện pháp này vì nó không mang tính nhân văn. Nóng 39, 40 độ mà cắt điện, nước của những người không liên quan đến hành vi vi phạm hành chính thì chúng ta không nên làm việc này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, hiện nay có đến 23 biện pháp để nhà nước áp dụng cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt. “Bây giờ lại bổ sung thêm biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tôi nhận thấy cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém, rất bất lực, pháp luật không nghiêm. Chúng ta còn có cả một bộ máy được đào tạo rất bài bản mà phải bổ sung thêm biện pháp này là không ổn”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đánh giá.

Đại biểu Cầu còn lo ngại nếu bổ sung biện pháp này vào trong luật thì rất dễ bị lực lượng chức năng lạm dụng. Bởi cơ quan có thẩm quyền rất dễ ra lệnh cắt điện, nước, còn lực lượng chức năng thực thi cũng rất nhanh. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn. Đại biểu đưa ra ví dụ như một trang trại lợn nuôi 3.000-4.000 con vi phạm môi trường mà bị cắt điện, nước thì việc ảnh hưởng sẽ như thế nào? Hay một nhà máy bia cũng vi phạm môi trường nếu ta cắt điện, nước thì sẽ xảy ra hậu quả ra sao?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lo ngại biện pháp cắt điện, nước bị lạm dụng

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cũng không ủng hộ việc cắt điện nước khi xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân. “Nhiều đơn vị tự sản xuất điện, nước thì có cắt được họ không? Chưa nói đến việc cắt điện, nếu bị khởi kiện ra tòa là sai hoàn toàn, vì đây là biện pháp trái luật. Đề nghị bỏ biện pháp này”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là vấn đề khó nên Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định. Theo ông Long, Chính phủ coi biện đây là biện pháp cưỡng chế với 3 lý do khác nhau. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt có áp dụng các hình thức như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép.

Ông Long cho biết, trong một số trường hợp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, môi trường, có cơ sở sản xuất (thường là doanh nghiệp) đã bị tước giấy phép hoạt động, tức là phải dừng hoạt động lại nhưng vẫn tiếp tục hoạt động để xả thải ra môi trường. Hay một cơ sở khai thác đá gây ô nhiễm bị tước giấy phép, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hoạt động thì thực sự không còn biện pháp nào khác. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực tế phát sinh như vậy nên Chính phủ đề xuất biện pháp trên.

 Quang Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/nang-nong-39-40-do-ma-bi-cat-dien-nuoc-thi-ai-chiu-noi-20200618130446046.htm