Bức tranh Đông hồ nổi tiếng miêu tả cảnh đánh ghen.
Hôm qua, tôi xem clip đánh ghen trên đường Bà Triệu, TP Hà Nội. Một cô gái trẻ đẹp bị ba bốn phụ nữ luống tuổi nhảy vào đánh đấm, giật tóc, đạp vào mặt, chửi bới, nhục mạ đến khủng khiếp… Cô gái không kịp phân bua gì, máu mồm, mũi chảy ra đau đớn, trong khi đó đám đông không ai dám can thiệp.
Nhìn đám đàn bà xông vào đánh đấm một người phụ nữ khác túi bụi với thái độ căm hờn mới thấy được ở xứ ta vẫn tồn tại một thứ hành xử man rợ, rừng rú mà xã hội bấy lâu vẫn chấp nhận rằng: “Dạy cho con cướp chồng một bài học”.
Quá đau đơn và tủi nhục, cô gái bị đánh đã lên facebook bày tỏ là “cách đây vài tháng, chính xác là trước tết, tôi có gặp một người đàn ông khi đi chung với bạn bè ở một club. Nhưng sự thật là giữa tôi và anh ta không có một mối quan hệ nào, không qua lại với nhau bao giờ.
Nhưng chị vợ cứ kiếm chuyện dù tôi đã khẳng định mình và chồng chị ta không liên quan gì đến nhau. Tưởng chị ta đã hiểu nhưng tối qua họ kéo bạn bè đến đánh tôi ra nông nỗi này, dùng những lời nói lăng mạ chà đạp lên danh dự của tôi. Tôi chưa hề thách thức như những lời chị ta nói, tôi cần bằng chứng việc tôi ngoại tình với chồng chị và thách thức bên chị”.
Cô gái mong cư dân mạng chia sẻ câu chuyện để cô và bạn cô lấy lại công bằng. “Bởi vết thương về thể xác tôi có thể chịu được, nhưng vết thương lòng các chị để lại cho tôi quá lớn”.
Đánh ghen là một phản ứng bản năng, cay cú và để bảo vệ sự sở hữu của mình. Các cô đi đánh ghen luôn to miệng bảo: “chồng chị đây chị đang xài sao mày dám cướp chồng tao” hay “chị đây chưa vứt ra thì đừng đụng vào”. Đó là bản năng muốn dằn mặt đối phương và cũng có thể là sự yêu đương mù quáng.
Phản ứng hoang dã trong việc đi đánh ghen như cắt tóc, xát ớt bột vào chỗ kín, đổ mắm tôm vào đầu… đều bắt nguồn từ truyền thống: “Ớt nào mà ớt chả cay, Gái nào mà gái chẳng hay gen chồng”
Bức tranh Đông Hồ nỗi tiếng mô tả chuyện đánh ghen rất thú vị. Người chồng ôm cô gái không mặc áo, người vợ cầm chiếc kéo xông vào đòi cắt tóc cô kia, trong khi anh chồng hết sức ngăn can… Sự cay nghiệt, hùng hổ đó cho đến tận bây giờ vẫn không từ bỏ dù nhiều người biết rằng đi đánh đạp người khác vô cớ, gây tổn thương nặng sẽ bị xử lý hình sự.
Yêu đương, kết hôn rồi ghen tuông thì luôn có, nhưng vấn đề nằm ở việc ứng xử để có được sự hài hòa khi mà phát hiện vợ hay chồng có tình nhân. Đó là cách ngồi lại hòa giải, tìm lối thoát, còn nếu không còn lắng nghe nhau nữa thì giải phóng cho nhau. Đó là ly hôn, đường ai nấy đi.
Thực ra nhiều cô kéo bầy đàn đi đánh ghen không thực sự yêu chồng, hoặc vợ chồng đã ly thân hay ly hôn từ lâu, nhưng bắt gặp chồng đi với người mới nảy ra tức tối, ghen tuông vô cớ và nảy ra ý định trả thù. Vừa cho ông chống biết mặt, còn cô nhân tình thì đau đớn.
Nên việc đánh ghen không mang lại kết quả tốt đẹp, nhưng nó hả dạ người được đánh dù không biết là mình đang làm việc vi phạm luật pháp, thậm chí phải ngồi tù.
Đánh ghen theo kiểu đám đông, rồi tấn công bằng những thứ độc ác bẩn thỉu là hành động nên dừng lại. Hành động đó không làm mình mạnh lên mà biến mình thành tội phạm. Khi đánh ghen thì hung tợn, lúc lực lượng chức năng triệu tập lên thì sợ hãi, hèn nhát, nói như câu ca: “chưa đánh người mặt đỏ như vang, đánh người rồi mặt vàng như nghệ”.
Vợ chồng hay yêu đương, khi đã chán nản nhau thì cứ nhẹ nhàng “đường ai nấy đi” tìm hạnh phúc mới. Chia tay trong văn minh và tôn trọng thì tình cảm xưa cũ được ghi nhớ, con cái vì thế cũng vui vẻ. Còn nếu nuôi mãi ý định cay cú trả thù thì lòng mình trĩu nặng, rồi hành động không đúng mực, mang vạ vào thân.
Nên trong việc phụ nữ đi đánh ghen người bị đánh và người đánh đều thiệt thân. Người đánh dính vào luật pháp, còn ngươi bị đánh thì tủi nhục. Phụ nữ nên coi đó mà ứng xử hợp lý: Việc gì phải cay cú khi mà người chồng không còn yêu mình.
Theo Phapluatplus.vn