'Nếu như cuộc đời này cho con một điều ước…'

21/10/2019 10:42

Kinhte&Xahoi Thì con sẽ ước có mẹ, có cha. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần có một gia đình, cùng sự yêu thương, ấm áp dưới một mái nhà. Nhưng, do hệ quả đáng tiếc của xã hội như bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, thiếu thốn kinh tế, bệnh tật, ly hôn… mà cuộc đời nghiệt ngã đã khiến nhiều đứa trẻ gần như đã mất đi, quên đi hoặc chưa từng được nhận tình cảm gia đình. Và những đứa trẻ chỉ còn biết ước mơ thầm lặng…

Nước mắt và nụ cười của cô bé Sèn Thị Thoi

Những tuổi thơ đầy sóng

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Nha Trang, cuộc đời của Phan Trần Kim Hồng sinh năm 2004 cũng dập dềnh như những cơn sóng biển mà ngày ngày em chứng kiến. Ước mơ của Kim Hồng đơn giản lắm và cũng trẻ con lắm, nhưng sao nghe thấy nghẹn lòng. “Có lần con đi ra biển, nhìn thấy những gia đình đi du lịch, thấy các bạn tầm tuổi con được bố mẹ ôm vào lòng.

Các bạn ấy có đầy đủ cha mẹ, con thì không. Khi đi học, giờ ra chơi, con ngồi một mình trong lớp vì không ai muốn chơi với con, đứa trẻ không cha mẹ. Những lúc ấy con đành lấy sách vở ra ngồi chép chép cho quên đi. Nếu trên đời này có một điều ước dành cho con, con sẽ ước có thêm 10 điều ước khác. Vì con có rất nhiều thứ muốn trở thành hiện thực. Cuộc đời con chưa bao giờ có gì cả” - Hồng nức nở. 

Nước mắt cũng rơi trên gương mặt của Sèn Thị Thoi, sinh năm 2001 ở Lào Cai. Kể về cuộc đời mình, Thoi bắt đầu bằng 4 chữ: “Con tủi thân lắm!”. “Năm học lớp 9 con chuyển đến học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Si Ma Cai. Vừa học, con vừa đi rửa bát thuê, lau nhà thuê để lấy tiền đóng học phí và gửi về phụ giúp ông nội nuôi các em. Các bạn cùng lớp được bố mẹ đến thăm thường xuyên, còn con thì không, con tủi thân lắm, nhiều lúc nước mắt cứ trào ra, dù đã dặn mình không được khóc”.

Cuộc đời lạnh lùng với Thoi như vậy, nhưng không vì thế mà Thoi sống vô cảm với cuộc đời. Em chia sẻ: “Con từng có ý định bỏ học. Một lần con vô tình đọc được nhật ký của em gái ghi lại những ước mơ nhỏ bé của mình: ước được có chiếc áo mới khi đến trường, ước được bố mẹ tổ chức sinh nhật… Chính lần đó đã thôi thúc con tiếp tục học tập để thực hiện ước mơ của em”.

Không chỉ những bé gái, mà cả những bé trai cũng nghẹn lời khi nói về câu chuyện của đời mình. Nhớ mẹ, thèm mẹ đó là cảm xúc của cậu bé Thào A Lềnh, sinh năm 2000 ở Yên Bái và Trần Hữu Hùng sinh năm 2007 ở Hưng Yên.

Thào A Lệnh lên 2 tuổi thì bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, em phải ở với ông bà nội. Ông bà nội nghèo nên đến tuổi em không được đi học mà hàng ngày phải đi chăn trâu, kiếm củi. “Có lần con ốm nặng, bà không cho đi khám, lúc ốm nặng quá bác sĩ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc đó con thèm lắm có mẹ ở bên” – Thào A Lềnh kể. Còn với Trần Hữu Hùng, mất mẹ từ nhỏ nên ước mơ của em đơn giản lắm: “Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ. Con chưa bao giờ được mẹ ôm cả”…

Có một bài thơ được đọc ở Tòa

Câu chuyện về những đứa trẻ thèm mẹ, nhớ cha, thiếu vắng hơi ấm gia đình khiến người viết bài này nhớ đến một bài thơ của nhà thơ Vương Trọng.

Bài thơ “Hai chị em” với những câu thơ đầy ám ảnh: “Nín đi em, bố mẹ bận ra toà!/Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi/… Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm/Không nấu nướng và không hề trò chuyện/Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm/Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?/… Biết lấy gì dỗ cho em nín đây/Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói/Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi/Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về/… Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà/Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ/Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố/Hai chị em rồi sẽ mất nhau/… Những bố mẹ bên bờ chia cắt/Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!”.

Người ta kể rằng, ở một tòa án, nhiều năm trước bài thơ này đã được dán trên tường. Và khi hòa giải, bài thơ này thường được đưa cho các cặp vợ chồng đọc trước khi họ quyết tâm “bước qua” nước mắt của những đứa con mình. Nhờ thế có khá nhiều cặp vợ chồng bên bờ tan vỡ đã nhen nhóm lại hạnh phúc. 

Còn nhớ, đã từng có một bài văn khiến cô giáo dạy văn khi chấm bài chảy nước mắt. Bài văn của một đứa trẻ kể về ước mơ nhà “được” mất điện của mình: “Con mong ước được cúp điện mãi vì chỉ có một lần cúp điện, cả nhà mới quây quần bên nhau. Giây phút đó, cả nhà ta vui vẻ, đầm ấm biết bao nhiêu”.  Sở dĩ em ước mơ vậy vì “cứ nghe ở trong phòng bố mẹ có tiếng động gì đấy là con lại mon men đi xuống cầu thang, ngồi trước cửa phòng bố mẹ vì con sợ bố đang đánh mẹ”…

Vẫn biết rằng cuộc đời nghiệt ngã lắm và cũng lắm nỗi trớ trêu từ hệ quả xã hội như bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, thiếu thốn kinh tế, bệnh tật, ly hôn…khiến những người cha, người mẹ không thể đi cùng con cái đến tuổi trưởng thành. Nhưng, cũng còn đó những ông bố, bà mẹ quên mất rằng với con họ là cả thế giới, rằng hạnh phúc của con nằm trong tay họ. “Con lên lớp 5 thì mẹ bệnh mất. Bố thường xuyên đánh đập con và em. Ông bà ngoại thương hai chị em mang về nuôi, nhưng không nuôi nổi nên đưa con vào Trung tâm bảo trợ Lào Cai. Con không có lựa chọn cho dù không muốn” – cô bé Hà Tố Uyên sinh năm 2004 kể. 

Thèm hơi ấm cha mẹ, nhưng cô bé Phan Trần Kim Hồng lại bị chính mẹ ruột mình hắt hủi. Em kể lại câu chuyện của mình: “Hồi con 6 tuổi, con từ làng SOS về quê ăn tết với ông bà ngoại. Mẹ con mang hai con riêng đến chơi, bà ngoại bảo mẹ chở tụi con đi chơi. Nhưng mẹ bảo: Hay con ở nhà vì không đủ xe. Con nghĩ chắc tại con giống ba hơn nên mẹ và cả nhà mới ghét con”…

Người tốt còn nhiều lắm

Quả đúng là như vậy. Những cái tên tổ chức “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ” mà trước kia là “Tổ bán báo xa mẹ”; Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa, các làng trẻ SOS, các Trung tâm bảo trợ xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… từ xưa đến nay luôn là những chỗ dựa, là những cánh tay chìa ra để những đứa trẻ vịn đi tiếp vào đời.

Ông Vũ Tiến – Chủ nhiệm “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ” kể câu chuyện của mình: “Có trường hợp mẹ đơn thân, tôi nhận nuôi con cho. Mẹ cháu ở nhà cắt cỏ thuê, tháng được 3 triệu. Tôi bảo cô ấy ra Hà Nội làm quán ăn cho tôi, tháng được 3,5 triệu, cơm 3 bữa, có chỗ ăn, chỗ ngủ. Cứ mỗi năm cô ấy để lại được tối thiểu 30 triệu. Nếu con bé học đại học, tôi vẫn nuôi, ra trường tôi sẽ lo xin việc”.

Người đàn ông này đã thực sự trở thành cha, thành mẹ của những đứa trẻ: “Tôi không cho cân gạo, cái áo hay mấy trăm nghìn mà tôi cho chúng kiến thức và cái nghề. Tôi còn theo dõi chúng lấy vợ, lấy chồng và dạy con như thế nào. Rất nhiều cháu ở đây tôi nuôi, chúng nó lấy vợ, lấy chồng và cho con học được ở trường quốc tế. Cách của tôi là xóa đói nghèo bền vững”.

Thầy Nguyễn Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và xúc tiến việc làm của Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa đến với trường từ năm 2003 với tâm thế của một tình nguyện viên hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Và thầy đã ở lại trường cho đến ngày hôm nay vì: “Con người ở Hoa Sữa coi nhau như một gia đình. Tôi gắn bó với công việc này bởi tính nhân văn”.

Những hạt mầm của tình thương yêu mà những người như ông Tiến, thầy Thanh đã gieo đã và đang nảy mầm trong tâm hồn, trong cuộc đời những đứa trẻ. Không còn khóc nữa, cô bé Sèn Thị Thoi đã mỉm cười khi nói về ước mơ của mình: “Con đã tham dự chương trình “Học làm thợ” của một nhóm sinh viên tình nguyện đến trường. Sau đó con nhờ thầy hiệu trưởng tìm hiểu kỹ hơn về chương trình và nơi đào tạo. Con đã quyết định theo học lớp làm bánh tại Trường Hoa Sữa với hy vọng kiếm được công việc ổn định để phụ nuôi ông nội và các em”…

Ở đời, gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy, trao yêu thương đi sẽ nhận được tình yêu lại. Chắc hẳn, bà mẹ tại làng trẻ SOS của cô gái 18 tuổi Phan Thị Trần Hải, người Nha Trang hẳn sẽ rất vui khi biết đứa con của mình tâm sự: “Điều con nhớ nhất là được mẹ chăm sóc tận tình. Giờ đi học xa con vẫn gọi điện về hỏi thăm mẹ và các em trong làng trẻ”…

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện triển lãm “Giấc mơ gia đình” với 3 chủ đề: Cuộc sống không bình yên, Khi con tìm thấy nụ cười, Những ước mơ nhỏ bé. Thông qua phương pháp tiếp cận nhân học, triển lãm đã khơi gợi được tiếng lòng của những đứa trẻ sớm phải chịu thiệt thòi…
 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus