Ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối trong đấu giá tài sản

21/05/2024 20:04

Kinhte&Xahoi Chiều 21-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp chiều 21-5. Ảnh: Quốc hội.

 Xử lý người trúng đấu giá không nộp tiền

Sau khi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội
 “Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…

Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội tham dự phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại Điểm đ1 Khoản 1 và Điểm d Khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại Điểm d1 Khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại Khoản 2 Điều 4.

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Cụ thể, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Đồng thời, dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...

Bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá

Quan tâm đến nội dung về tài sản đấu giá quy định tại Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị bổ sung một nội dung vào điều khoản này, đó là bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Quốc hội

 Góp ý về quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá không được cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá trong trường hợp bị kết án do có hành vi vi phạm hoạt động đấu giá tài sản...

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Quốc hội.

Liên quan đến thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, đại biểu nhận thấy, nội dung trong dự thảo Luật mới chỉ quy định việc ban hành quy định quỹ, giấy phép, giấy đăng ký hoạt động đã cấp.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp tổ chức đấu giá này sử dụng giấy phép vào mục đích không phù hợp, vi phạm pháp luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định cụ thể về trình tự thu hồi giấy phép, giấy đăng ký hoạt động cũ của tổ chức hành nghề đấu giá khi đã được Sở Tư pháp tại nơi đặt trụ sở mới cấp giấy phép đăng ký hoạt động.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quốc hội.

 Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho biết, dự thảo Luật sẽ bãi bỏ Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tức là người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên sẽ không được miễn đào tạo nghề đấu giá.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều khi bãi bỏ nội dung này. Bởi một số nghề tư pháp như công chứng đang áp dụng một số đối tượng được miễn đào tạo và cũng giảm một phần hai thời gian đào tạo nghề, trong đó có đối tượng là đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên theo dự thảo Luật Công chứng trình kỳ họp thứ bảy lần này cho ý kiến.

Đồng thời cũng chưa có số liệu đủ độ tin cậy về mức độ chuyên nghiệp của những người được miễn đào tạo theo Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề.


“Chưa kể đến những đối tượng khác có trình độ, am hiểu về lĩnh vực đấu giá như những người đã từng tham gia quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 15 ý kiến phát biểu, 4 ý kiến chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp. Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.

Đình Hiệp - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngộ độc thực phẩm: Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức ngày 21-5, các đại biểu cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2024, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 200%. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung các giải pháp giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Hiệu quả 5 tổ công tác "đặc biệt" hoạt động giờ cao điểm

Ngày 21-5, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, qua triển khai 5 tổ công tác "đặc biệt", gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm tại các điểm giao thông có mật độ người và phương tiện cao, vi phạm thuộc về ý thức của người tham gia giao thông (không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, sử dụng rượu bia…) đã giảm hẳn.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ngan-chan-tinh-trang-thong-dong-moc-noi-trong-dau-gia-tai-san-667000.html