Khảo sát mới đây của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung trực tuyến, mạng xã hội hay tin nhắn. Cụ thể, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming (công nghệ được sử dụng để truyền dữ liệu tới máy tính và các thiết bị di động thông qua internet). Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.
Theo Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam, hiện vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng bởi người dùng vẫn có xu hướng thích dùng “của chùa”. Độ tuổi vi phạm nhiều nhất là 18-24 với tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%…
Không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, việc chiếm đoạt trái phép tác phẩm có bản quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của người sáng tạo. Công chúng thì không được thưởng thức tác phẩm đúng nghĩa, bởi các sản phẩm sao chép, miễn phí khó có thể bảo đảm chất lượng như tác phẩm gốc. Chính vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả những vi phạm, cơ quan chức năng cần có giảỉ pháp buộc các bên liên quan phải thực thi nghiêm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số, đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022; giám sát chặt chẽ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, buộc họ phải có trách nhiệm triển khai những biện pháp kỹ thuật, phối hợp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến quyền tác giả... Nghị định quy định chi tiết 12 loại hình tác phẩm được bảo hộ - đây chính là công cụ pháp lý, là “cây gậy” quan trọng để xử lý những vi phạm “như cơm bữa” về quyền tác giả hiện nay.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền số vẫn không dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các nền tảng xuyên biên giới và chính các chủ thể sở hữu nội dung. Đồng thời, cần mạnh tay xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật như: Ngăn cấm thực hiện hành vi trên không gian mạng, thậm chí từ chối cung cấp dịch vụ internet cho bên vi phạm... Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải thật sự chủ động, nâng cao trình độ, hiểu biết về mặt pháp lý cũng như có ý thức khai thác các sản phẩm của mình trên môi trường số một cách an toàn.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế giám sát hữu hiệu thì sự chủ động của chính các tác giả cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng ngăn chặn vi phạm bản quyền. Những người bị xâm hại cần mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ bản quyền, quản lý quyền sở hữu tài sản trí tuệ của mình, đồng thời thực hiện tốt việc đăng ký bảo hộ bản quyền. Điều này sẽ góp phần quan trọng hạn chế được tình trạng vi phạm bản quyền.
Hà Trang - Hà Nội mới