Theo thống kê của Liên đoàn Du lịch Hy Lạp, các khách sạn nước này thiếu lao động cho 22 - 24% tổng số vị trí việc làm. Hiệp hội Khách sạn Cộng hoà Síp cho biết lĩnh vực du lịch của nước này đang thiếu 5.000 lao động, tương đương 20% tổng nhu cầu. Số liệu của Hạ viện Anh hồi tháng 5 cho biết ngành khách sạn nước này còn thiếu 7,8% việc làm, tương ứng với hơn 166.000 vị trí.
Số lượt tìm kiếm chuyến bay trong tháng 7 và 8 đến Tây Ban Nha tăng 156%, đến Bồ Đào Nha tăng 131% so với năm ngoái. Theo Hiệp hội Khách sạn quốc gia, ngành công nghiệp phục vụ ăn uống của Tây Ban Nha đang thiếu 200.000 lao động và các khách sạn cần thêm ít nhất 15.000 người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Các điểm đến ở Châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng về lao động ngành du lịch (Ảnh: OLMO CALVO)
Chủ một quán bar ở Madrid, Tây Ban Nha cho biết, quán chỉ có thể mở cửa vào cuối tuần vì hầu hết nhân viên dọn bàn trong quán bar là sinh viên. Trong tuần, họ đều đi học. Nhiều quán khác thì chủ cũng thành nhân viên, vừa điều hành vừa phục vụ khách.
Để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu hụt nhân công, nhiều nhà hàng, khách sạn đang thực hiện các sáng kiến thử nghiệm như tuyển dụng những người trước đây chưa từng làm việc trong ngành này.
Chủ khách sạn thuộc nhóm lớn nhất Châu Âu Accor đang thí điểm sáng kiến tuyển dụng những người chưa từng làm việc trong ngành. Họ phỏng vấn cả những người không có hồ sơ, không có kinh nghiệm làm việc và những người đó được nhận trong vòng 24 giờ.
“Điểm mới là giờ đây chúng tôi tuyển dụng những người trẻ hoàn toàn không có kỹ năng trong ngành khách sạn, nhà hàng. Các nhà quản lý phải chào đón, đào tạo và chấp nhận thiệt hại doanh thu trong giai đoạn đào tạo ban đầu khi họ chưa thể bắt tay ngay vào việc”, ông Gilles Gohier, Giám đốc chuỗi khách sạn và nhà hàng Les Portes du Mont-Saint-Michel ở Pháp cho biết.
Những chủ quán hay khách sạn nhỏ hơn thì chọn cách tuyển dụng lao động nhập cư hoặc nhờ cậy đến các công ty chuyên cung cấp lao động thời vụ.
Việc vá lỗ hổng nhân sự hậu đại dịch đòi hỏi sự chung tay của các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU). Dự kiến trong năm nay, EU sẽ áp dụng bộ quy định mới về lao động nhập cư để phát triển các kênh nhập khẩu lao động hợp pháp. Đây có thể là đáp án cho bài toán khó về nhân lực hiện nay.
Tuệ Uyên - TTTĐ