Ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm kiến thức và an toàn cho học sinh trong khi học tập. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì). Ảnh: Quang Thái
Vừa dạy học, vừa phòng, chống dịch
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở cửa trường học trở lại với nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” trong bối cảnh dịch bệnh dự báo còn kéo dài, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới nay, thành phố Hà Nội cùng với hầu hết các địa phương trên cả nước đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp. Theo số liệu cập nhật đến ngày 22-2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh học trực tiếp trên cả nước đạt 78,86%.
Tại Hà Nội, trừ trẻ mầm non của toàn thành phố và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận, học sinh các cấp học đều đang học trực tiếp và công tác dạy học được tổ chức linh hoạt. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại nhận được sự đồng thuận của xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh học sinh. Tỷ lệ học trực tiếp đạt mức khá. Việc dạy học trong bối cảnh hiện nay khiến các thầy, cô giáo vất vả hơn, song các nhà trường đều cố gắng vừa tổ chức dạy học, vừa duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Là một trong số 18 huyện, thị xã đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 1 trở lên, huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm giám sát việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Việc điều tiết kế hoạch dạy học được cập nhật từng ngày, thậm chí từng tiết học. Có khi tiết trước cô giáo vẫn dạy trực tiếp, đến tiết sau lại không thể lên lớp do nhận được thông báo có liên quan đến ca bệnh. Việc quản lý học sinh ở những lớp vừa trực tiếp, vừa trực tuyến khá vất vả, nhưng các giáo viên đều nỗ lực khắc phục, tổ chức dạy học linh hoạt”.
Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Việc thành phố dừng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận trở lại trường từ ngày 21-2 là cần thiết. Dù chưa được trở lại trường như mong đợi, song quan trọng nhất là các con được an toàn. Gia đình sẽ đồng hành cùng các thầy, cô giáo thực hiện nhiệm vụ”.
Đo thân nhiệt cho học sinh tại Trường Trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang
Đặt quyền lợi học sinh lên cao nhất
Chia sẻ, thấu hiểu sự vất vả của phụ huynh và sự nỗ lực của học sinh để duy trì tốt việc học tập trong bối cảnh hiện nay, các nhà trường trên địa bàn Hà Nội đã, đang cố gắng tổ chức giảng dạy linh hoạt, với tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch thời gian năm học.
Cũng như nhiều trường đã đón học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8-2, Trường Trung học cơ sở Mai Động (quận Hoàng Mai) đang duy trì ổn định việc dạy và học. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Động Nguyễn Thị Hà Thanh, sau mỗi tuần, nhà trường lại rà soát, điều chỉnh cách thức tổ chức để bảo đảm trong mọi tình huống, quyền lợi và sức khỏe của học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Nhà trường cũng cố gắng không để gián đoạn việc học của học sinh khi có nhiều giáo viên là F0, F1...
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến thông tin, 29 trường tiểu học và 23 trường trung học cơ sở của huyện đều duy trì tốt việc dạy học, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp để củng cố những nội dung cốt lõi; rèn kỹ năng, nếp học cho học sinh tiểu học. Một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay tới cuối năm học là chuẩn bị cho khoảng 2.800 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Ngoài 3 môn thi bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ), các trường tổ chức dạy học đều ở các môn còn lại, giúp học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đoàn Minh Châu, nhà trường tạo thuận lợi tối đa để bảo đảm cho gần 700 học sinh lớp 12 học tập tốt nhất trong mọi hoàn cảnh. Ngoài giờ học trên lớp, các em được hướng dẫn tự học, được giải đáp những khúc mắc trong bài học...
Nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị, các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường không chủ quan, lơ là, cũng không quá hoang mang, căng thẳng; tiếp tục vận động học sinh đến lớp, cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến, chứ không có trường học trực tuyến. Các đơn vị cần cập nhật hướng dẫn mới của Bộ Y tế về biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc xử lý khi có F0 tại trường với tinh thần linh hoạt, hạn chế xáo trộn và bảo đảm an toàn.
“Đối với học sinh lớp 12, nhà trường cần xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học trước ngày 30-6. Những địa phương không thể hoàn thành trước thời hạn này phải báo cáo Bộ để được hướng dẫn, bảo đảm phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
Thống Nhất - Hà Nội mới