Ngày thứ 4 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới

20/04/2020 10:00

Kinhte&Xahoi Ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có trên 200 ca nhiễm trở lên chưa có tử vong

Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 20/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm. Đây cũng là ngày thứ 4 không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Bảng theo dõi số ca mắc mới theo ngày

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 62.998, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 279; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 07 ca.

Tổng số người nhiễm tính đến 6h ngày 20/4

Tình hình điều trị các bệnh nhân nặng:

BN91: Tình trạng sức khoẻ của viên phi công người Anh mắc COVID-19 nặng tiếp tục có diễn biến lâm sàng ổn định, bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Hiện tại bệnh nhân không sốt, mạch huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, bệnh nhân tiếp tục thở máy và hỗ trợ ECMO. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm bằng RT PCR đều âm tính với SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng.

BN19: Hiện tỉnh táo, tiếp xúc được, không sốt; xét nghiệm lần gần đây nhất – ngày 15/4 của bệnh nhân này cho kết quả âm tính lần 3 với SARS-CoV-2; bệnh nhân đã dừng vận mạch.

BN161: Hiện đang thở máy không xâm nhập, chức năng thận bình thường, gọi hỏi bệnh nhân đã giao tiếp chậm.


Tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Nhờ vậy, các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia trên thế giới có trên 200 trường hợp nhiễm COVID-19 trở lên chưa có trường hợp tử vong.
 

Tổng số người được cách ly

Từ 19 đến 23 giờ tối 19/4 (giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Y tế G20 bắt đầu cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu.

Tham dự cuộc họp có Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng các Bộ trưởng Y tế của các nước G20, các tổ chức quốc tế và khu vực gồm WHO, WB, OECD, Quỹ toàn cầu, Quỹ LHQ, GAVI, Liên minh tiêm chủng. Đại diện Bộ Y tế Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Các Bộ trưởng Y tế G20 chia sẻ kinh nghiệm của mỗi quốc gia và đề ra những hành động khẩn thiết đối với G20 để chung tay chống đại dịch.Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến để đưa ra các giải pháp y tế chống đại dịch và khuyến khích các giải pháp kỹ thuật số để phối hợp toàn cầu và đưa ra ưu tiên chuẩn bị ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đại diện của cả 5 châu lục đã thể hiện quyết tâm cần phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Bộ trưởng Y tế và đại diện cho Bộ Y tế các nước G20 gồm Mỹ, Italy, Pháp, EU, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Australia, Nhật Bản, Canada, Brazil, Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia… đã có bài phát biểu.

Bộ trưởng Y tế Đức cho rằng do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay vắc-xin nên chúng ta cần phải phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch là cách tốt nhất để chống lại đại dịch hiện nay. EU cam kết tài trợ cho các nghiên cứu vắc-xin và nghiên cứu về virus để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch COVID-19.Mới đây, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh COVID-19. Hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, lãnh đạo các nước tham gia hội nghị trên đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết và cùng nhau đoàn kết, chung tay hành động và quyết tâm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, giảm thiểu và đảo ngược tác động của đại dịch lên cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế tại khu vực.


Điều quan trọng là cơ chế ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN-Mỹ, ASEAN-EU và các cộng đồng quốc tế khác để nhấn mạnh tính khẩn cấp của đại dịch và cam kết cùng ứng phó chung.

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường cho biết Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Việt Nam đã áp dụng chiến lược “chủ động ngăn chặn – phát hiện sớm – cách ly kịp thời – khoanh vùng gọn – dập dịch triệt để – điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 bao gồm cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội. Việt Nam đã phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế.

Ứng dụng theo dõi sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân, giúp ngành y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân.Về mặt kinh tế xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của COVID-19 như cắt giảm thuế và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người buôn bán nhỏ lẻ và người dân. Việt Nam đã áp dụng biện pháp khống chế kiểm soát dịch bệnh đi kèm với bình ổn kinh tế xã hội. Những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người lao động, được đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khúc quân ca Trường Sa

Được coi là “quần đảo bão tố”, sau 45 năm giải phóng, xây dựng và phát triển, quần đảo Trường Sa đã trở thành một thị trấn sầm uất với đầy đủ chức năng hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa tâm linh.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/ngay-thu-4-lien-tiep-viet-nam-khong-ghi-nhan-them-ca-nhiem-covid-19-moi-d122468.html