Ngày xưa không… điện thoại

01/10/2020 07:37

Kinhte&Xahoi Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chẳng khó để chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh lũ trẻ dán mắt vào màn hình điện thoại để tìm kiếm niềm vui.

Nhưng đằng sau những niềm vui ấy, chúng mất đi cả tuổi thơ hồn nhiên. Nhìn cảnh ấy lại nhớ về thế hệ chúng tôi - những người sinh những năm 1980, 1990 - có một tuổi thơ không smartphone (điện thoại thông minh) nhưng đầy ý nghĩa.

Các trò chơi vận động của tuổi thơ các thế hệ 8X, 9X.

Những giờ học đầy ý nghĩa

Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ mãi về những bài học thầy cô dạy cho những đứa học trò tiểu học chúng tôi ngày ấy. Đầu tiên là bài văn “Đẹp mà không đẹp”. Bài văn đó như sau: Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền hỏi: “Bác Thành ơi bác xem con ngựa của cháu vẽ có đẹp không?”. Trên bức tường trắng hiện lên hình một con ngựa đang leo núi….

Bác Thành xem xong rồi bảo: “Cháu vẽ đẹp đấy nhưng còn có chỗ chưa đẹp”. “Chỗ nào chưa đẹp hả bác”. “Chỗ không đẹp là bức tường của nhà trường đã bị vẽ bẩn cháu ạ”. Ý nghĩa giáo dục của bài văn là: Không nên làm một việc gì đó ảnh hưởng đến lợi ích chung của mọi người.

Bài văn “Xe lu và xe ca” của tác giả Phong Thu thì giáo dục những đứa học trò tiểu học chúng tôi về tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong xã hội. Không chỉ là những bài văn, những bài thơ mà thầy cô dạy chúng tôi cũng có một ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, tình cảm giữa người với người như bài thơ “Làm anh” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ thì dạy cho học trò chúng tôi về lòng hiếu thảo.

Các bộ truyện tranh giáo dục của tuổi thơ các thế hệ 8X, 9X. Ảnh: internet.

Bài thơ “Tiếng ru” của nhà thơ Tố Hữu thì dạy cho học trò về tình nhân loại – thứ tình cảm cần phải được vun đắp dựng xây để thế giới tốt đẹp hơn. Trong chương trình tiểu học, chúng tôi còn được thầy cô dạy về sự đoàn kết, một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đó là bài thơ “Con cáo và tổ ong” và bài thơ “Hòn đá” của Bác Hồ. Nếu bài thơ “Con cáo và tổ ong” đã kêu gọi về lòng đoàn kết để đánh đuổi lũ giặc cướp nước thì bài thơ “Hòn đá” lại kêu gọi sự đoàn kết sẽ khiến cho mọi việc đều thành công.

Riêng tôi, tôi nhớ mãi bài thơ “Nói với sông Đơ-nhi-ép” của nhà thơ Liên Xô X-Mác-sắc trong chương trình tiểu học. Lúc đó, cô giáo của tôi giảng dạy rằng sông Đơ-nhi-ép là một con sông lớn chảy qua Ukraina. Trên con sông đó, nhân dân lao động Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết đã xây dựng một nhà máy thủy điện lớn để con người được no ấm, hạnh phúc hơn. 

Bố mẹ tôi đều là công nhân, là những người đang bắt tay xây dựng lại Đất nước sau ngày thống nhất, nên tôi có sự đồng cảm sâu sắc với tác giả bài thơ này. Cũng vào thời tiểu học, có lần cô giáo chủ nhiệm họp lớp lại để quyên góp giúp đỡ các bạn thiếu nhi Cuba. Bởi vì sự bao vây cấm vận của nước Mỹ và đồng minh nhằm tiêu diệt nước Cuba xã hội chủ nghĩa mà các bạn thiếu nhi tại đây đang rất thiếu thốn. Ngay sau đó, tôi và các bạn trong lớp đã tặng các bạn thiếu nhi Cuba những cây viết chì và những cuốn vở mới. Đó là một hành động sẻ chia, dù rất nhỏ nhoi, nhưng tôi sẽ nhớ mãi trong đời.

Tuổi thơ… không smartphone

Hiện nay, để giữ các bé “ngồi im một chỗ”, nhiều bậc phụ huynh đã dùng đến smartphone. Các video vui nhộn hay trò chơi điện tử ngay lập tức khiến các bé dán mắt vào màn hình smartphone. Tuy nhiên, trên tờ The Life Hacker, chuyên gia cai nghiện hàng đầu nước Anh Mandy Saligari đã khẳng định: “Cho trẻ em sử dụng smartphone giống như việc bạn đưa ma túy cho chúng”. 

Bên cạnh đó, có nhiều công trình nghiên cứu cũng chỉ ra tác hại của việc trẻ em “nghiện” smartphone. Chẳng hạn, Giáo sư Jean Twenge và Giáo sư Keith Campbell từ Đại học San Diego (Mỹ) đã thu thập dữ liệu từ 40.000 trẻ em ở Mỹ từ 2 đến 17 tuổi. Kết quả cho thấy sử dụng smartphone trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng. 

Cụ thể, 1/2 trẻ em sử dụng smartphone trên 2 giờ thường dễ mất bình tĩnh, rất khó bình tĩnh lại. Ngoài ra, nếu trẻ em dán mắt vào smartphone trên 4 giờ mỗi ngày thường hay cãi lý, lo lắng và ít muốn học hỏi, từ đó dẫn đến ít hòa đồng với xã hội, bạn bè hơn.

Nhìn lại để so sánh, lứa tuổi 8X, 9X (sinh những năm 1980, 1990) như chúng tôi có một tuổi thơ không smartphone và được vận động thường xuyên hơn. Ngày đó, các trẻ em thường tìm đến các trò chơi vận động như nhảy dây, bắn bi, trốn tìm, thả diều, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê…

Trẻ em “nghiện” smartphone gây ra nhiều hệ lụy cho vấn đề phát triển về thể chất lẫn tinh thần.

Trong đó, “rồng rắn lên mây” là một trong những trò chơi dân gian Việt Nam được lưu truyền từ ngàn xưa. Đây là một trò chơi theo nhóm. Trong đó, một người đứng riêng ra làm thầy thuốc. Những người còn lại sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước. Sau đó cả chuỗi người này bắt đầu lượn qua lượn lại như rồng rắn. 

Sau màn đối đáp giữa hai bên, thầy thuốc sẽ phải tìm cách đuổi bắt cho được người cuối cùng (khúc đuôi) trong hàng rồng rắn. Nhưng ngược lại, người đứng đầu hàng rồng rắn sẽ dang hai tay và cả mình rồng rắn cũng uốn éo, luồn lách, né tránh sao cho cái đuôi của mình không bị thầy thuốc vồ được... Bởi vậy, “rồng rắn lên mây” là trò chơi nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp.

Các trò chơi nhảy dây, bắn bi, trốn tìm, thả diều, bịt mắt bắt dê cũng có tác dụng tích cực đối với trẻ em. Chẳng hạn, tăng sức bền và độ dẻo dai (nhảy dây), tăng khả năng tinh mắt (bắn bi), tăng khả năng phán đoán (trốn tìm, bịt mắt bắt dê), tăng khả năng khéo léo (thả diều)… Từ đó trẻ em sẽ được phát triển toàn diện hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Khung trời lộng lẫy của tuổi thơ cùng những trò chơi, vận động vui tươi, khỏe khoắn.

Ngày đó, đối với các thế hệ 8X, 9X, đọc truyện tranh không chỉ là một thú vui mà còn có tác dụng giáo dục. Tôi nhớ như in bộ truyện tranh đầu tiên được đọc và được vui cười sảng khoái khi đọc nó là “Đôrêmon”. Đây là bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi của tác giả Fujiko F. Fujio, một họa sĩ truyện tranh tài danh của Nhật Bản. Bộ truyện được Nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam. 

Không chỉ là một bộ truyện tranh được độc giả nhỏ tuổi ưa thích, “Đôrêmon” còn tác động tích cực đến trẻ em Nhật và các nước trên thế giới. Những “bảo bối” cùng các câu chuyện phiêu lưu trong truyện đã xây dựng cho độc giả nhỏ tuổi sự ham thích tìm hiểu khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự ham thích với rô-bốt và các ứng dụng của rô-bốt trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, “Đôrêmon” được độc giả nhỏ tuổi yêu quý nhất chính là tình bạn tuyệt vời của chú mèo máy Đôrêmon với cậu bé yếu đuối Nôbita, bao gồm thêm nhóm bạn Chaien, Xêkô, Xuka của họ. Sau khi đọc truyện, tin chắc rằng, các em thiếu nhi sẽ xây dựng sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau trong học tập và cuộc sống. 

Những bộ truyện tiếp theo mà tôi chăm chú đọc là “Cô tiên xanh”, “Tâm hồn cao thượng”, ”, “Truyện cổ nước Nam”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Thần đồng Đất Việt”, “Trạng Quỳnh”. Đây là những bộ truyện giáo dục về nhân cách con người, khuyên giữa người với người phải sống đủ đầy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Hiện nay, smartphone là một sản phẩm phục vụ thiết yếu cho đời sống con người. Nó không chỉ có chức năng như là một chiếc điện thoại mà còn tích hợp trong đó những tính năng tương tự một chiếc laptop (máy tính xách tay) như duyệt web, chơi game, chụp ảnh, quay phim, video call (gọi không mất tiền cước điện thoại), định vị toàn cầu, trợ lý ảo, các ứng dụng của bên thứ 3 trên kho ứng dụng di động. 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì smartphone cũng có mặt tiêu cực như hiện tượng trẻ em “nghiện” smartphone là một vấn đề rất đáng báo động. Bởi vậy, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian cho các bé chơi các trò chơi vận động hơn là bỏ mặc các bé “ngồi im một chỗ” với một chiếc smartphone.

 Nguyễn Toàn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ngay-xua-khong-dien-thoai-d136574.html