Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần Galax đầu tư dự án Nhà máy điện rác tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc - Nghệ An), thay thế dự án Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi cũ.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò ghi Martin của Đức kết hợp phát điện hiện đại tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, để xử lý rác thải 1.500 tấn/ngày đêm, kết hợp phát điện với tổng công suất 30MW. Công nghệ này đang được sử dụng tại một số nhà máy điện rác ở Việt Nam vì không kén chọn loại và kích cỡ rác thải.
Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động quý IV/2027, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn, 3 tấn chất thải y tế mỗi ngày, phát điện 20 MW.
Mô hình quy hoạch tổng thể Nhà máy điện rác tại xã Nghi Yên.
Giai đoạn hai tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến hoạt động quý IV/2030, xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn, tái chế 6 tấn nhựa FE và 3 tấn dầu DO mỗi ngày, phát điện 10 MW.
Theo quy hoạch, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại phát sinh của vùng liên huyện gồm: TP Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu.
Toàn bộ Khu liên hợp có 8 hố chôn lấp rác. Trong đó hiện chỉ còn 3 hố để tiếp nhận rác thải, dự kiến đến năm 2027 sẽ đầy. Do đó, với dự án điện rác được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải, bảo đảm môi trường với công nghệ hiện đại.
Trước đó, Dự án Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi đã được cấp phép thực hiện với công suất 300 tấn rác thải sinh hoạt và 3 tấn rác thải y tế/ ngày đêm. Đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường.
Nguyễn Nam - Pháp luật Plus